Cảnh báo tình trạng lừa đảo đối với tân sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, hàng loạt trường đại học lưu ý với các tân sinh viên về tình trạng mạo danh cán bộ của đơn vị, yêu cầu đóng bổ sung các khoản phí. Cùng với đó, các tân sinh viên cần tránh tâm lý “xả stress” sau khi đỗ đại học dẫn đến lơ là việc học để vượt qua thách thức khi bước chân vào ghế giảng đường.
Sinh viên năm thứ nhất cần tỉnh táo trước cái “bẫy” của kẻ xấu và của chính mình. (Ảnh minh họa)
Sinh viên năm thứ nhất cần tỉnh táo trước cái “bẫy” của kẻ xấu và của chính mình. (Ảnh minh họa)

Nhiều trường đại học khuyến cáo tân sinh viên

Thời gian qua, nhiều tân sinh viên của Trường Đại học (ĐH) Hà Nội nhận được điện thoại từ số máy lạ, yêu cầu nộp bổ sung một số khoản phí lên đến hàng triệu đồng. Họ chủ động cung cấp số tài khoản và đề nghị sinh viên chuyển tiền vào đó. Nhận được phản hồi từ phía phụ huynh và sinh viên, Trường ĐH Hà Nội đã cảnh báo tình trạng lừa đảo đối với tân sinh viên.

Theo thông báo trên fanpage của Trường, học phí và các khoản thu hộ gồm: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể của sinh viên khóa 2021 - 2025 đều được thông báo rõ ràng, công khai trên trang chủ của Trường ĐH Hà Nội. Nhà trường không thu thêm bất kỳ khoản nào. Phụ huynh và sinh viên không nộp tiền, chuyển khoản cho bất kỳ cá nhân gọi điện, nhắn tin yêu cầu thu thêm tiền.

Trên fanpage của Đoàn Thanh niên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra nhiều cảnh báo với tân sinh viên. Theo đó, Đoàn Thanh niên của Trường đã đưa ra một số tình huống mà sinh viên năm thứ nhất hay bị lừa như: đang đi ngoài đường, tự nhiên có kẻ lại gần gạ mua đồng hồ, máy ảnh, kính… với giá rẻ bất ngờ.

Sau khi bỏ tiền ra mua thì đồng hồ sử dụng được vài ngày là không hoạt động, máy ảnh không chụp được hình...

Chưa kể, nhiều nơi, ngay cả trên những tuyến đường lớn, con phố đẹp, “tín dụng đen” được quảng cáo công khai, với tên gọi: hỗ trợ tài chính, vay nhanh, trả gọn, cầm đồ, bát họ... Nhân viên của các cơ sở “tín dụng đen” tìm đủ cách tiếp cận sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn, nhẹ dạ cả tin và thiếu kỹ năng sống…

ĐH Bách khoa Hà Nội khuyến cáo: “Có rất nhiều tình huống tân sinh viên phải đề cao cảnh giác. Ví dụ, nếu các em bắt được tờ rơi có nội dung quảng cáo việc làm hấp dẫn, lương cao thì cần cảnh giác. Gặp những tin trên, bảo đảm 99% các bạn mất tiền oan. Nếu muốn kiếm thêm việc làm hoặc làm gia sư, hãy thông qua tổ chức, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên của nhà trường”.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng đã gửi thông điệp đến sinh viên mới nhập học, nếu gặp khó khăn trong sinh hoạt, tài chính, trước hết hãy liên hệ với các tổ chức đoàn thể của trường hoặc với giảng viên để được hỗ trợ bước đầu. Giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước, mã số sinh viên… đều không được cho mượn tùy tiện, tránh trường hợp gánh những khoản nợ “trên trời rơi xuống”.

Cần nhanh chóng bắt nhịp, tránh tâm lý “xả stress”

Có một thực tế về vấn đề học tập đối với tân sinh viên là dù đỗ vào ĐH, thậm chí ở top đầu, nhưng nếu sinh viên không thích nghi với cách học tín chỉ thì dễ có nguy cơ bỏ cuộc ngay sau những tuần đầu trở thành tân sinh viên…

Theo số liệu thống kê công bố từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mặc dù là ngôi trường có điểm chuẩn đầu vào thuộc top đầu cả nước nhưng có đến 57% sinh viên năm nhất có điểm trung bình tích lũy GPA <2.0.

Gần 15% sinh viên bị cảnh cáo học tập mỗi kỳ và khoảng 800 sinh viên bị buộc thôi học mỗi năm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn chỉ xấp xỉ 40-50%. Những số liệu trên không chỉ ở riêng Bách khoa Hà Nội mà cũng là thực trạng ở nhiều trường ĐH khác.

Trần Hữu Trí (sinh viên ngành Hệ thống thông tin, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội) là 1 trong số 13 thủ khoa được nhận tấm bằng xuất sắc, là sinh viên có điểm GPA cao nhất trong số hơn 3.200 sinh viên. Bên cạnh tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, Trí còn ra trường sớm 1 học kỳ và được nhận vào làm việc tại một công ty về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trí nhận thấy, nhiều học sinh có tâm lý “xả stress” sau khi đỗ ĐH dẫn đến lơ là việc học. Theo Hữu Trí, các sinh viên nên để ý xem kiến thức của bản thân bị hổng chỗ nào cần nhanh chóng bù đắp và cần xác định mục tiêu cần phấn đấu học tập để có được thành công.

Kỹ sư Trương Tuấn Vũ, thủ khoa đầu ra năm 2021 ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ nhiều bí quyết, từ học tập, thi cử cho đến chiến lược giành học bổng. Theo Vũ, lượng kiến thức ở ĐH rất lớn, cần cố gắng học và hiểu bài ngay trên lớp. Bí quyết là nên dành ít nhất 30 phút chuẩn bị trước nội dung bài giảng.

Với cách làm này, sinh viên có thể tiếp thu trên 80% nội dung bài học. Tận dụng thời gian hỏi luôn giảng viên các vấn đề còn thắc mắc cũng là điều cần thiết để đạt mục tiêu hiểu bài ngay trên lớp.

Để vượt qua các kì thi, Vũ chia sẻ kinh nghiệm cần phải ôn tập có chiến lược thay vì nhồi nhét. “Mặc dù có khởi điểm không hề nổi bật, mình luôn cố gắng phát triển bản thân và gần như không chấp nhận việc đi lùi lại so với chính mình. Mỗi người đều có một xuất phát điểm riêng, tuy nhiên, quyền lựa chọn giữa việc trực tiếp đối diện với khó khăn, áp lực để đi lên hay lựa chọn “dậm chân tại chỗ” để tận hưởng sự êm đềm, an toàn, suy cho cùng, đều nằm trong tay mỗi người”.

Vũ xem áp lực như một phần tất yếu của cuộc sống, nên bên cạnh các kiến thức về chuyên ngành luôn chú trọng phát triển bản thân với các kỹ năng mềm thay vì trở thành một người khô khan, chỉ biết tới học hành mà thiếu kiến thức xã hội.

Có thể nói, sinh viên thực sự rối bời chỉ sau 2-3 tuần học. Và ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng đã thực tế hơn, khi biết mình không thể nỗ lực để tự học, các bạn sẽ chuyển hướng tìm cho mình một lối đi phù hợp hơn.

Đọc thêm