Vừa qua, Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin cho biết, qua thực hiện công tác kiểm tra, rà soát an toàn thông tin trên không gian mạng, đã ghi nhận 125.226 địa chỉ trang web giả mạo cơ quan, tổ chức.
Các đối tượng sử dụng website giả mạo này để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo.
Theo Cục An toàn thông tin, mục tiêu hướng đến của các đối tượng là lừa đảo người dân thông qua giả mạo các website của cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính - ngân hàng, các sàn thương mại điện tử, các công ty lớn.
Hàng loạt chiêu trò lừa đảo, mạo danh được ngân hàng khuyến cáo đến khách hàng. |
Đại diện ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, đối với hình thức lừa đảo mạo danh ngân hàng, nhóm tội phạm thường sẽ liên hệ với những khách hàng có nhu cầu vay tiền trên Facebook, Zalo; Tư vấn cho khách hàng vay số từ 10 triệu đến 60 triệu, gửi link website có giao diện giống hoặc gần giống của ngân hàng với đầy đủ hình ảnh, logo, thậm chí là hình ảnh của Hội đồng quản trị, Ban điều hành... hoặc đường link để tải App.
Sau khi đăng nhập website hoặc App, khách hàng điền số tiền vay, xem được lịch trả nợ dự kiến và kê khai các thông tin cá nhân, chụp giấy tờ tùy thân nhằm xác minh danh tính khách hàng bằng kỹ thuật số như một tổ chức tài chính. Tiếp theo, khách hàng sẽ đến bước ký hợp đồng điện tử và được giải ngân.
Tuy nhiên, đối tượng lợi dụng khách hàng đang cần tiền nên ở bước ký hợp đồng sẽ xảy ra sự cố. Để giải quyết tình huống này, nhóm tội phạm sẽ yêu cầu khách hàng chuyển một số tiền để thông qua tài khoản định danh khách hàng, hứa hẹn sau khi kế toán định danh đúng khách hàng thì sẽ hoàn số tiền đã đóng cùng với số tiền khách hàng vay. Bằng phương thức như vậy, các đối tượng đã thành công thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, hình thức giả mạo hỗ trợ xử lý yêu cầu dịch vụ thẻ (đóng thẻ, tăng hạn mức, rút tiền mặt…) hoặc sử dụng số điện thoại có gắn tên thương hiệu gần giống ngân hàng, tổng đài của ngân hàng để gửi và yêu cầu khách hàng vào link dẫn đến các trang web giả mạo cũng được các đối tượng lừa đảo thực hiện thường xuyên. Thông qua các hình thức trên, khách hàng sẽ được yêu cầu cung cấp số thẻ, ngày tháng hết hạn, mã CVV, mã OTP để thực hiện giao dịch trái phép.
Hình thức giả mạo hỗ trợ xử lý yêu cầu dịch vụ thẻ cũng khiến nhiều khách hàng “tiền mất tật mang”. |
Nhằm tránh những rủi ro mất tài sản và thông tin cá nhân không mong muốn, OCB đã liên tục đưa ra khuyến cáo đến khách hàng thông qua nhiều kênh chính thống khác nhau. Cụ thể, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ tín dụng như số thẻ, mã pin, mã CVV/CVC, mã OTP… cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả nhân viên ngân hàng;
Không cho bất kỳ ai mượn, sử dụng, sở hữu và quản lý thẻ; Không chia sẻ mặt trước và mặt sau thẻ, chụp ảnh/lưu ảnh thông tin thẻ trên điện thoại và gửi qua mạng xã hội Zalo/Viber; Không cho nhân viên thu ngân siêu thị/nhà hàng… cầm thẻ của mình ra khỏi tầm mắt, luôn thực hiện thanh toán thẻ trước mặt và trong tầm kiểm soát.
Và đặc biệt, OCB tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ tín dụng như trên qua điện thoại, SMS hay bất cứ website/mạng xã hội nào. Khách hàng cần lưu ý thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch và sao kê tài khoản thẻ tín dụng qua tính năng quản lý thông tin/giao dịch thẻ qua ngân hàng số OMNI 4.0 và tin nhắn SMS.
“Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo hoặc bị lừa đảo, khách hàng vui lòng thông tin đến OCB qua tổng đài hỗ trợ khách hàng 18006678 (cuộc gọi miễn phí) hoặc đến điểm giao dịch gần nhất để được hỗ trợ”. Đại diện ngân hàng chia sẻ thêm.