Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phụ nữ trên thế giới thường gặp thứ hai sau ung thư vú. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 phụ nữ trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ tăng lên 443.000 người vào năm 2030, nhiều hơn gấp đôi số ca tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ung thư cổ tử cung tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong đối với phụ nữ. Nhiễm virus HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam, theo thống kê về số ca ung thư cổ tử cung được thực hiện năm 2018, mỗi ngày có 12 trường hợp mắc mới và có 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung, cao gấp 2-3 lần số ca tử vong do các biến chứng liên quan tới thời kỳ thai sản.
Các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung
Theo các chuyên gia tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, một trong những hiện tượng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường (chảy máu âm đạo ở những ngày không phải chu kỳ kinh nguyệt). Mức độ xuất huyết ở âm đạo có thể khác nhau với mỗi người phụ nữ, điểm chung là tất cả đều không rõ nguyên nhân tại sao có hiện tượng ra máu.
Một dấu hiệu nữa để nhận biết bệnh là dịch âm đạo tiết ra bất thường. Trong trường hợp dịch âm đạo tiết ra có màu sắc lạ (màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn máu) và có mùi khó chịu... thì rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Tuy nhiên, những bệnh lý khác ở "vùng kín" như ung thư buồng trứng, viêm vòi trứng... cũng có thể gây ra những dấu hiệu bất thường ở dịch âm đạo. Vì vậy, mỗi người cần phải đi khám phụ khoa mới có thể xác định được nguyên nhân chính xác nhất.
Người bị ung thư cổ tử cung thường chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Căn bệnh còn tác động đến quá trình phát triển và rụng trứng cũng như sự cân bằng hormone trong cơ thể. Kết quả là chu kỳ kinh nguyệt của bệnh nhân không được bình thường như trước đây. Họ có thể bị trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài hoặc máu kinh nguyệt có màu đen sẫm...
Cùng với xuất huyết bất thường ở âm đạo, các bác sĩ u bướu cho biết đau vùng chậu là một trong những dấu hiệu khả nghi nhất của ung thư cổ tử cung. Cơn đau này có thể do tế bào ung thư đã lan rộng tới xương chậu.
Bên cạnh đó, việc đi tiểu thường xuyên, cần tiểu gấp cũng là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Điều này khiến người bệnh nghĩ tới các bệnh liên quan tới tiết niệu như: viêm bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Do vậy, nếu nhận thấy triệu chứng này kéo dài và ngày càng tồi tệ hơn thì mỗi người cần phải đi khám bác sĩ ngay.
Ngoài ra, thiếu máu có thể xảy ra với bệnh ung thư cổ tử cung vì số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh bị giảm và được thay thế bằng các bạch cầu để đẩy lùi bệnh. Thiếu máu thường khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng, giảm cân không rõ nguyên nhân và mất cảm giác ngon miệng.
Ảnh minh họa |
Cách phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung
Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng chống lại các nguy cơ gây bệnh ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng. Đặc biệt các loại thực phẩm giàu vitamin E, A, C và canxi chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, từ đó ngăn ngừa ung thư.
Đồng thời có một chế độ nghỉ ngơi, vận động thể dục, thể thao hợp lý cũng sẽ góp phần phòng tránh ung thư. Nghiên cứu cho thấy stress là một trong những nguyên nhân khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn. Do vậy mỗi người cần luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, thoải mái và hạn chế căng thẳng.
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ung thư cổ tử cung chính là bị lây virus HPV qua đường quan hệ tình dục. Khi “yêu” ở tuổi vị thành niên rất dễ lây nhiễm virus HPV bởi trong giai đoạn này khả năng tự bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh chưa được tốt. Đây cũng là giai đoạn các bộ phận trong cơ quan sinh dục đang dần hoàn thiện và nhạy cảm nhất. Nếu không biết cách phòng tránh rất có thể sẽ sớm bị nhiễm virus HPV.
Đặc biệt, mỗi người cần nâng cao ý thức thực hành tình dục an toàn, hạn chế dùng thuốc tránh thai đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp. Thay vào đó nên áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn như bao cao su...
Bên cạnh đó, để có một cơ thể khoẻ mạnh, mỗi người cần tránh hút thuốc lá, thuốc lào hay tiếp xúc với môi trường có khói thuốc. Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, ma túy… Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô ráo, nhất là ở thời điểm nhạy cảm như trong kỳ kinh, trước và sau khi quan hệ tình dục, tiền mãn kinh, mãn kinh, sinh nở, sau sinh, không nên sinh nhiều con.
Nhiễm virus HPV qua đường tình dục là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ung thư cổ tử cung. Trong giai đoạn từ 9 đến 26 tuổi, chị em phụ nữ nên tiêm vắcxin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Loại vắc-xin đặc biệt này chỉ có tác dụng ngăn chặn giai đoạn tiền ung thư vì thế mỗi người cần tiêm đúng liệu trình theo chỉ định của nhân viên y tế.
Ngoài ra, việc làm xét nghiệm PAP smear giúp phụ nữ phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm dành cho người đã có quan hệ tình dục, cần thực hiện mỗi năm một lần.