Cảnh báo về sức khỏe tâm thần khiến trẻ em dễ hành động dại dột

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 12/2023, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố kết quả “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam”. Kết quả nêu bật một thực tế đáng lo ngại là rất nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần.
Vai trò tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng, giúp trẻ em có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. (Ảnh minh họa - Nguồn: Lawnet)
Vai trò tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng, giúp trẻ em có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. (Ảnh minh họa - Nguồn: Lawnet)

Các chuyên gia UNICEF chỉ ra, sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong (tự tử), bệnh tật và tàn tật.

Cảnh báo về tâm lý trẻ vị thành niên

Tháng 3/2024, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận cấp cứu cho 2 nữ sinh cùng 15 tuổi bị ngộ độc thuốc an thần, giảm đau. Trường hợp nữ sinh N.T.L được đưa đến Bệnh viện trong tình trạng bị nôn ói nhiều, nghi do ngộ độc thuốc Paracetamol. Theo người nhà, trước đó, bé gái đã uống 20 viên Paracetamol 500mg, may mắn được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, được khám và tư vấn tâm lý. Được biết, bé gái là một học sinh giỏi, có ước mơ đi du học và thi vào ngành y. Tuy nhiên, trong một phút nông nổi, vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng, bé gái đã uống thuốc Paracetamol để quyên sinh.

Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với phụ huynh, cần quan tâm đến vấn đề tâm, sinh lý của trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng lưu ý, bên cạnh việc học tập văn hóa, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Phụ huynh không nên quá tạo áp lực cho trẻ, cần khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho trẻ vui chơi, thư giãn phù hợp. Nhà trường nên phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ khi gặp các vấn đề tâm lý.

Quay trở lại với kết quả “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố, thì 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải “học 24/24h”.

Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022, cụ thể: nhóm trẻ em từ 11 - 14 tuổi có 2.580 cuộc (chiếm 10,9%), tăng 0,3%; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 1.986 cuộc (chiếm 8,4%), tăng 5,3% so với năm 2022. Số cuộc gọi của nam giới là 11.100 cuộc (chiếm 46,8%), tăng 0,2% so với năm 2022; nữ giới là 12.641 cuộc (chiếm 53,2%). Cũng trong năm này, nội dung các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng ở các nội dung: khó khăn liên quan đến các mối quan hệ ứng xử; sức khỏe thể chất; sức khỏe tâm lý... Các em ở độ tuổi từ 10 - 16 thường gọi đến Tổng đài vào khung giờ từ 22 - 24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình.

Không xem nhẹ tư vấn tâm lý học đường

Cùng với công bố kết quả nghiên cứu, các chuyên gia UNICEF cũng chỉ ra, sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Vì vậy, cần nhận biết những áp lực, dần dần dẫn đến căng thẳng, stress của trẻ để giúp trẻ nhận diện, đối mặt và vượt qua. Vai trò của y tế học đường nói chung và tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Do đó, vị trí việc làm của những người làm công tác này trong trường học rất cần được quan tâm đúng mức.

Một khi đã yên tâm với công việc, với chế độ đãi ngộ, các nhân sự trong lĩnh vực này sẽ chuyên tâm với công việc để phát hiện và hỗ trợ kịp thời các em có nhu cầu, đồng thời họ cũng triển khai các chương trình phòng ngừa, xây dựng mạng lưới hỗ trợ, kết nối các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trẻ... Thay vì thực tế hiện nay như phát biểu của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH: “Nhiều trường hiện nay thiếu chuyên gia tư vấn, tham vấn tâm lý chuyên nghiệp thì sao có thể giúp đỡ được học sinh. Một giáo viên vừa kiêm nhiệm công tác giảng dạy, quản lý học sinh lại thêm tư vấn tâm lý thì chắc chắn không thể hiệu quả”.

Chính vì thế, tháng 12/2023, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Theo đó, Bộ đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục, để bảo đảm chế độ, chính sách và chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ, học sinh trường học.

Theo Bộ GD&ĐT, nhiệm vụ y tế trường học là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Nhân viên y tế học đường cũng đảm nhiệm nhiều công việc liên quan khác như thu và lập hồ sơ BHYT học sinh, công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống bệnh học đường; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý và hỗ trợ học sinh có những biểu hiện bất thường về tâm lý, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để phối hợp cùng gia đình và các cơ sở y tế can thiệp kịp thời…

Trước vấn đề cấp thiết của công tác tư vấn học đường, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến THPT được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, tác động xã hội đến môi trường học ngày càng lớn, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra trên cả nước gây bức xúc trong dư luận, vấn đề cần có nhân viên tư vấn học sinh càng được đặt ra bức thiết hơn.

Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT chính thức đưa nhân viên tư vấn học sinh vào danh sách vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp các em có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học. Đây cũng là lần đầu tiên các trường công lập của Việt Nam có nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh. Văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh gia tăng thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em, thanh, thiếu niên cũng như tăng cường ưu tiên phòng, chống xâm hại và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Đọc thêm