Theo AFP, trong số 19 thành phần bị cấm có 2 thành phần phổ biến nhất là triclosan và triclocarban – các chất vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong các dung dịch và xà phòng rửa tay dạng bánh bất chấp những lo ngại chúng có thể phá hủy hệ miễn dịch.
“Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng việc sử dụng xà phòng chống khuẩn hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn nhưng không hề có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng hiệu quả hơn so với xà phòng thường và nước”, Giám đốc bộ phận thuốc của FDA Janet Woodcock, cho biết.
Trên thực tế, theo bà Woodcock, một số dữ liệu cho thấy các thành phần chống khuẩn còn có hại hơn so với tác dụng nếu sử dụng lâu dài.
“Rửa tay với xà phòng thường dưới vòi nước vẫn là một trong những bước hiệu quả nhất để tránh mắc bệnh và ngăn chặn lây lan mầm bệnh cho người khác”, tuyên bố của FDA nêu rõ.
Lệnh cấm này không được áp dụng đối với sản phẩm dung dịch rửa tay trong các bệnh viện.
Bà Theresa Michele, người làm việc trong bộ phận chăm sóc cá nhân của FDA cho biết, hầu hết các sản phẩm không phải là sản phẩm y tế có bán trên thị trường hiện nay đều có chứa ít nhất 1 trong các thành phần bị cấm.
Theo thông báo của FDA, các nhà sản xuất có 1 năm để tuân thủ lệnh cấm nhưng một số hãng xà phòng cũng đang dần loại bỏ các thành phần bị nghi ngờ khỏi sản phẩm của họ.