Khi phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên không không thể quan sát được mục tiêu bằng mắt thường thì người dẫn đường ngồi ở sở chỉ huy mặt đất chính là “con mắt thần” của phi công.
Bảo đảm tốt máy bay và vũ khí cho gần 9.000 chuyến bay chiến đấu
Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2017), sáng 25/12, Sư đoàn Không quân 371 Quân chủng Phòng không - Không quân(PK-KQ) đã tổ chức Tọa đàm, giao lưu, nói chuyện truyền thống với các nhân chứng lịch sử là những người trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12/1972.
Tại buổi nói chuyện truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã được giao lưu với các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch gồm: Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Tuân - cựu Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Không quân, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên - nguyên Phó ban Dẫn đường Bộ Tham mưu, Quân chủng Không quân và Đại tá Bùi Văn Cơ - nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 927.
Không phải là phi công trực tiếp bắn hạ máy bay địch, làm nên chiến thắng vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kéo dài 12 ngày đêm (18/12/1972- 29/12/1972), Đại tá Bùi Văn Cơ (SN 1943) là một trong những người thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại ấy. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, với trọng trách là Đại đội trưởng thợ máy, Trung đoàn Không quân 927, ông Bùi Văn Cơ đã lên kế hoạch cho các chuyến bay, kiểm tra chất lượng máy bay để đảm bảo an toàn cho các phi công, quan sát, theo dõi hạ cánh máy bay...
Ở trên không, các phi công của ta trực tiếp lao vào chiến đấu, mặt đối mặt với kẻ thù. Phía dưới, ông Cơ cùng Đại đội thợ máy căng mình ra chuẩn bị cho cuộc chiến tốt nhất. Ông kể: “Tối 18/12, khi Mỹ đánh vẫn còn mấy máy bay ở sân bay. Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Nghị lệnh cho tôi kéo hết vào trong sơ tán, chỉ để một vài máy bay trực ngoài. Ô tô kéo máy bay lại không được thắp đèn. Tôi phải trực tiếp đứng ở cánh cửa ô tô để nói cho lái xe biết sang trái, phải thế nào. Cử một anh ngồi trong máy bay để chuẩn bị phanh. Hai người nữa cầm đèn pin ngồi hai cánh máy bay. Cứ kéo lùi lũi đi đêm như thế. Khi đó máy bay tầm thấp của Mỹ vẫn vào, đánh phá liên tục. Cao xạ và các cỡ súng của ta vẫn bắn rào rào”.
Đại tá Bùi Văn Cơ cho biết, trong hơn 10 năm chiến đấu (1965-1975), lực lượng kỹ thuật Không quân nhân dân Việt Nam đã bảo đảm tốt máy bay và vũ khí cho gần 9.000 chuyến bay chiến đấu, 7.500 chuyến bay nhiệm vụ và 277.500 chuyến bay huấn luyện với gần nửa triệu giờ bay.
“Cánh chim dẫn đường” trong các trận không chiến ác liệt
Tham gia dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 109 trận, góp phần bắn rơi 116 máy bay, Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên (SN 1932) - nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh PK-KQ được mệnh danh là “cánh chim dẫn đường” trong các trận không chiến ác liệt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ, khi phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên không họ hoàn toàn không thể quan sát được mục tiêu bằng mắt thường, vì thế người dẫn đường tuy ngồi ở sở chỉ huy mặt đất nhưng lại chính là “con mắt thần” của phi công. Để dẫn đường trên không thành công, người dẫn đường phải đảm bảo 3 yếu tố, thứ nhất là về hướng bay, hướng bay làm sao phải đảm bảo được tính bất ngờ với quân địch.
Trong cuộc chiến trên không, ai nhìn thấy trước là người ấy chiến thắng. Thứ hai về độ cao, người dẫn đường làm sao phải dẫn cho máy bay của ta thoắt ẩn thoắt hiện trên ra đa của đối phương mới có thể khiến họ không đoán được. Thứ ba là về tốc độ bay, tốc độ bay có vai trò rất quan trọng tác động đến việc sử dụng nhiên liệu. Một máy bay chiến đấu chỉ có lượng nhiên liệu nhất định, nên phải điều chỉnh tốc độ phù hợp.
Trong suốt giai đoạn dẫn đường cho Không quân Việt Nam chiến đấu với cuộc không quân Mỹ giai đoạn 1965 - 1972, “hoa tiêu” Nguyễn Văn Chuyên đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 110 trận, người lái bắn rơi 117 máy bay thuộc 14 kiểu và bắn bị thương 1 máy bay B-52 của Mỹ.
Khi được hỏi về kỷ niệm khiến ông nhớ nhất thời kỳ dẫn đường cho không quân Việt Nam. Đại tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ đó những lần tham gia dẫn đường cho chiếc máy bay Mig-21 mang số hiệu 4324 huyền thoại. Chiếc máy bay này vừa mới được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015 vì thành tích bắn hạ được nhiều máy bay Mỹ nhất (Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1967, máy bay Mig-21 4324 đã 14 lần lập công, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại).
Bản thân sỹ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên đã trực tiếp tham gia dẫn chiếc máy bay huyền thoại này 3 lần, lần đầu là ngày 16/9/1967 do phi công Nguyễn Ngọc Độ lái; lần thứ 2 là ngày 27/9/1967 do phi công Phạm Thanh Ngân điều khiển và lần cuối cùng là ngày 3/10/1967 do phi công Nguyễn Văn Lý lái.
Đại tá Chuyên nhớ lại, năm 1966, Mỹ cho máy bay F-105 mang bom ra đánh phá miền Bắc và thường xuyên có máy bay tiêm kích yểm hộ. Khi ta phát hiện thì Mig-17 không đuổi kịp vì tốc độ lớn nhất của F-105 đạt 1.800km/giờ (gấp 1,5 lần Mig-17). Trước khó khăn đó, tôi đề xuất phương pháp dẫn đường mới là dẫn Mig-17 tiếp cận F-105 ở bán cầu trước với góc vào 120 độ.
Phương pháp này khi học ở nước ngoài không được cho phép, mà chỉ được tiếp cận máy bay địch ở bán cầu sau. Lúc ấy có đồng nghiệp của tôi cũng không đồng ý vì tiếp cận bán cầu trước dễ bị ra đa của địch phát hiện. Tôi đã chứng minh ra đa trên máy bay F-105 có góc độ phát hiện mục tiêu 60 độ và cự ly 60km về phía trước, phương pháp dẫn đường của tôi nằm ngoài cánh sóng ra đa. Khi được áp dụng và phổ biến rộng rãi, phương pháp mới này đã giúp ta tiêu diệt được rất nhiều F-105 của Mỹ.
Với những thành tích của mình, Đại tá Nguyễn Văn Chuyên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2013.