Hình ảnh “Bộ đội giải phóng” sát cánh cùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

(PLO) -Những ngày này, trước trụ sở Sở Văn hóa Thể thao TP HCM trên đường Đồng Khởi tôi nhìn thấy trên panô triển lảm có hàng chữ to “Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam” (22/12/1944 – 22/12/2017).
Hình ảnh “Bộ đội giải phóng” sát cánh cùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Bên cạnh là hai bức ảnh tư liệu lịch sử, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính thức được bầu làm Chủ tịch UBTU Mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam Việt nam (MTDTGPMNVN) tại Đại hội Mặt trận lần thứ nhất tháng 2 năm 1962. MTDTGPMNVN ra đời ngày 20/12/1960 và Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ chủ trì cuộc họp với các lực lượng vũ trang, binh địch vận, bàn phương hướng chiến lược đấu tranh cách mạng.

Nhớ lại dòng lịch sử cách đây hơn nửa thế kỷ, đế quốc Pháp bị Quân đội ta đánh bại ở Điện Biên Phủ và buộc phải ký Hiệp định Genève 1954. Hai miền Nam Bắc tạm thời bị chia cắt. Thời điểm này, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc xâm lược miền Nam. Trước đó hà hơi tiếp sức cho Pháp, Mỹ lăm le can thiệp vào chiến tranh Việt Nam với hai tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ cập bến Bạch Đằng ngày 16/3/1950. Trong điều kiện Đảng còn phải hoạt động bí mật, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đảng viên cộng sản được phân công hoạt động công khai hợp pháp với danh nghĩa Trưởng phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn - Chợ Lớn, kiên quyết chống sự can thiệp của Mỹ. Ngày 19/3/1950 tại Trường trung học Tôn Thọ Tường (nay là trường THPT Tenlơman), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ kêu gọi các tầng lớp nhân dân lên tiếng phản đối sự có mặt của Mỹ. Bất chấp sự đàn áp của địch, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình giương cao khẩu hiệu “Đả đảo Mỹ”. Gần như cả Thành phố Sài Gòn xuống đường với sự tiếp sức của bộ đội ta tập kích bằng súng cối. Hai  tàu chiến Mỹ lặng lẽ cút khỏi nước ta. Từ đó ngày 19/3/1950 hằng năm được nhân dân ta kỷ niệm và trở thành “Ngày toàn quốc chống Mỹ”. Vô cùng tức tối trước sự phản đối công khai của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, địch đến tận nhà bắt và giam Ông tại bót Catinat (nay là trụ sở của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM), sau đó đày Ông ra tận biên giới phía Bắc ở bản Giẵng, Mượng Tè, Lai Châu, sau 2 năm ông được trả tự do và tiếp tục đấu tranh đòi Mỹ phải thi hành Hiệp định Genève 1954 với vai trò lãnh đạo Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Thời điểm này, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lượt miền Nam. Và chúng trắng trợn bắt Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đưa đi lưu đày ở Hải Phòng, sau đó đày ải Ông đến tận miền núi xa xôi của tĩnh Phú Yên với ý đồ để Ông chết dần chết mòn, không còn khả năng sống sót. Một lần nữa với sự chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ, lực lượng vũ trang Khu 5 quyết tấn công vào Chi khu Quân sự Củng Sơn của địch để giải thoát ông, với tổn thất không tránh khỏi. Lần thứ 1 và thứ 2 chưa thành công, lần thứ 3 bộ đội ta với quyết tâm cao độ cuối cùng đã giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ  thành công. Nhưng còn lắm khó khăn thử thách phía trước. Làm sao đưa luật sư về căn cứ địa cách mạng Bắc Tây Ninh an toàn khi phải vượt hàng ngàn cây số, đi qua hàng trăm đồn bót địch? Với nhiều mưu trí tài tình, bộ đội đã đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về tới căn cứ.

Tháng 2/1962, sau 4.000 ngày bị địch cầm tù, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ trưởng phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn - Chợ Lớn giương cao ngọn cờ chống sự can thiệp của Mỹ đã trở thành Chủ tịch UBTƯ MTDTGPMNVN lãnh đạo toàn quân, toàn dân miền Nam giương cao ngọn cờ chống cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ. Với sự chi viện chí tình chí nghĩa của đồng bào ruột thịt miền Bắc, nhân dân Miền Nam đã cùng cả nước làm nên lịch sử 30/4/1975 đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, giải phóng miền Nam, thống  nhất đất nước. Trong suốt 5000 ngày chỉ đạo cuộc chiến đấu một mất một còn chống giặc Mỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo khác được “bộ đội giải phóng” bảo vệ cẩn mật. Như vậy lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, người em của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, ra đời ngày 15/2/1961, đã lập chiến công xuất sắc trong thực hiện sứ mệnh của Trung ương giao là giải thoát và bảo đảm an toàn tuyệt đối Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Công ơn đùm bọc,  chăm sóc, cưu mang, bảo vệ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ của bộ đội và đồng bào trong suốt thời kỳ Luật sư nằm trong nanh vuốt của kẻ thù,  Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Gia đình mãi mãi ghi nhớ. 

Tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sau khi Non sông thu về một mối, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “Đại thắng mùa Xuân 1975, biểu tượng rực rỡ nhất của đường lối sáng tạo và sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, của lòng trung dũng và khí phách anh hùng tuyệt vời của Quân đội Nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng, của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm vô song của nhân dân cả nước ta cũng tức là sự hoàn thành trọn vẹn và triệt để Cương lĩnh của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam”.

Năm 2014, Bộ chính trị có Quyết định 88 công nhận Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trong 19 lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà Nước ta, đồng thời có quyết định về việc xây dựng khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở quê hương ông là huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Nhân “Ngày Hội đội đoàn kết dân tộc” năm 2017 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của MTDTGPMNVN do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu: “…Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 30 năm ở Miền Nam, MTDTGPMNVN ra đời năm 1960, lúc đó chưa có Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam. Do vậy, MTDTGPMNVN là người tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, hình thành Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam để đoàn kết toàn dân tộc đánh thắng giặc Mỹ”. Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lúc sinh thời cũng khẳng định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một trí thức yêu nước vĩ đại, đã hi sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhân dân Việt Nam ta đời đời nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy”. Nói về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – “người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận xét: “Anh Thọ là con người của công lý, của đạo nghĩa. Anh có  thái độ nghiêm khắc đối với mọi hành động sai trái vi phạm phép nước, xâm phạm tài sản của dân, ức hiếp nhân dân. Khi cần nói lên sự thật để bảo đảm công lý, bảo vệ chính sách của Đảng và Nhà nước thì anh luôn tỏ ra cương trực, không hề né tránh. Ở anh không có đặc quyền, đặc lợi cho bất cứ ai”. Còn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị, xã hội mà tiếng tăm vượt khỏi ranh giới quốc gia”. 

Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. 

Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, những hình ảnh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sát cánh cùng bộ đội Giải phóng xuất hiện khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh, nơi năm xưa Luật sư đã công khai đứng lên phát động phong trào chống sự can thiệp của Mỹ không chỉ gây niềm xúc động bồi hồi đối với gia đình, người thân của Ông nhân dịp tưởng niệm 21 năm ngày Luật sư ra đi (24/12/1996). Bởi, những hình ảnh lịch sử sống động ấy đã tạc vào dòng lịch sử,  góp phần minh chứng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bao giờ cũng quanh co phức tạp nhưng không ngừng phát triển, dân tộc Việt Nam  trở thành ngọn cờ tiên phong vẫy gọi những người lao động nghèo khổ và các dân tộc bị áp bức trên thế giới phải chịu đầy rẫy bất công và bạo ngược, đứng lên đấu tranh vì sự công bằng, văn minh, tiến bộ, đấu tranh vì quyền tự quyết của dân tộc mình. 

Đọc thêm