’Cánh đồng bất tận’ không được lòng người xem

Cánh đồng bất tận là một trong số ít phim Việt gây "cháy" vé, tạo nên sức nóng ở mảng điện ảnh trong thời điểm này. Tuy nhiên, sau 6 ngày chiếu tại  TPHCM, rất nhiều khán giả sau khi xem phim tỏ ra không hài lòng. Thiếu chiều sâu là nhận định chung của người xem.

Khởi chiếu từ 22/10, tại các cụm rạp lớn trên cả nước, Cánh đồng bất tận là một trong số ít phim Việt gây “cháy vé”, tạo nên sức nóng ở mảng điện ảnh trong thời điểm này. Tuy nhiên, sau 6 ngày chiếu tại  TPHCM, rất nhiều khán giả sau khi xem phim tỏ ra không hài lòng. Thiếu chiều sâu là nhận định chung của người xem.

"Tròn quá mất hay”

Hoàn toàn dễ hiểu nếu tác phẩm điện ảnh này tạo được nhiều cảm xúc ở Busan, Đã Nẵng hay Hà Nội, nhưng lại không “được lòng” khán giả TP HCM, mặc dù họ đã kì vọng và chờ đợi nhiều ở bộ phim này.

Đơn giản bởi đối với khán giả TP HCM, những người có vốn gần gũi với miền Tây Nam bộ, bản thân nhiều người ngụ cư hay định cư tại thành phố này cũng xuất thân từ miền sông nước, thì cách cảm thụ hồn cốt miền Tây lẫn hồn cốt nguyên tác của tác phẩm văn học của bộ phim đều “chưa ổn”.

Diễn viên của phim diễn hay, diễn tròn, đó là điều ít ai phủ nhận được. Dustin Trí Nguyễn, Đỗ Thị Hải Yến đều rất “chuyên nghiệp” trong đẩy cảm xúc khán giả đi đến đỉnh cao. Tuy nhiên, chính vì  “tròn” quá, nên khán giả không hài lòng.

Nguyễn Thị Mỹ Linh, sinh viên đại học Văn Lang, có mặt tại rạp Galaxy Nguyễn Du đêm 25/10 nhận định: “Em là người Nam bộ, nhưng xem diễn viên đóng em thấy… hổng giống. Người miền Tây cũng cộc, nhưng không “cộc” kiểu Dustin Trí Nguyễn đóng. Các diễn viên không cho em thấy cái sự mộc mạc, thuần hậu của người miền Tây. Cả cái hoang dã cũng là sự hoang dã rất… chỉn chu”.

Diễn viên Dustin Trí Nguyễn (vai Út Vũ) bị “chê” ít chất Nam bộ
Diễn viên Dustin Trí Nguyễn (vai Út Vũ) bị “chê” ít chất Nam bộ

Cảnh quay rất đẹp, đó là một yếu tố thu hút khác của Cánh đồng bất tận, nưng điểm này lại cũng khiến khán giả khó tính TP HCM… không chịu.

“Tôi đã đọc Cánh đồng bất tận của  Nguyễn Ngọc Tư, xem phim thấy cánh đồng này đẹp mượt mà quá; không khô hạn, không nứt nẻ, không hoang dã hun hút như thế. Ngay cả nếu bỏ đi cái tinh thần của truyện, để phim đứng độc lập thì tôi nghĩ những hình ảnh này không thể hiện được hết một miền Tây Nam Bộ mộc hơn, thô hơn và đẹp vì mộc, thô, với bờ sông bồi lở nham nhở, chợ nổi hoe hoe vắng vẻ… chứ không tròn đẹp mượt mà như thế này”, chị Trịnh Thu Lan, giáo viên quận Tân Bình nhận định sau khi xem phim.

Hơi thừa yếu tố “câu khách”?

“Một Cánh đồng bất tận hơi thiếu miền Tây, hơi thừa cảnh nóng và nước mắt” là nhận định khá “chua” của nhiều khán giả khó tính TPHCM, nhưng ngẫm lại, nhận định ấy không phải là không đúng. 3,4 cảnh nóng với thời lượng chừng 30 giây-1 phút cho một bộ phim dài 110 phút, mật độ ấy không nhiều, nhưng điều đáng nói là cách thức thể hiện của yếu tố “nóng” trong phim.

Quá kĩ những tình tiết “giường chiếu” giữa người bố Út Vũ (Dustin Trí Nguyễn) với cô gái điếm tên Sương (Đỗ Thị Hải Yến), hay những cảnh cưỡng hiếp, bán mình… khiến người xem có cảm giác lợn cợn. Nhiều chi tiết khác không có trong nguyên gốc như cảnh ướm thử áo lót của Nương (Lan Ngọc), cuộc dậy thì mang nhiều yếu tố nhục dục của Điền, tạo hình quá đẹp một cách nhục cảm và cách ăn mặc trễ nải cố tình của nhân vật Sương cũng được cho rằng “không nói thêm được điều gì”.

Sự hoang dã của thiên nhiên và cả tâm hồn con người là điều mà tác phẩm văn học muốn nói đến. Nhưng ở tác phẩm điện ảnh, yếu tố tình dục không làm cho người ta thấy dễ chịu như một bộ phận không thể tách rời của cốt truyện, yếu tố nhục dục ở phim cũng không thể hiện hết cái hoang dã, cái khốc liệt, tàn phá của người với người, mà tiếc thay người xem vẫn “đọc” được ý đồ đem yếu tố ấy ra  để  “hút khách” của đạo diễn.

Và nước mắt, thì cũng khá nhiều: Nước mắt của nhân vật, và nước mắt của khán giả. Nhưng không phải cứ có nước mắt là có sự lay động. Nhiều khán giả vẫn rơi nước mắt khi xem phim, những khi  được hỏi về cảm xúc thì lại cho rằng “cũng không xúc động gì lắm, rơi nước mắt vì một câu chuyện buồn được diễn tả quá buồn thôi”  - bà Vũ Thị Bạch Tuyết, một giáo viên hưu trí.

Phải thừa nhận cái “gây khóc” của phim là tổng hợp của nhiều yếu tố: Một cốt truyện buồn, tiết tấu phim buồn, và kĩ thuật diễn xuất sắc sảo tạo xúc động của diễn viên. Nhưng chiều sâu thì cảm giác vẫn “chưa tới”. Cái buồn vẫn là “buồn buồn” của ngoại cảnh, câu chuyện nhiều hơn và người diễn viên chưa cho người ta “thấm” cảm giác về nỗi buồn sâu thẳm, của một phận người, những phận người. Vì thế, có thể nói Cánh đồng bất tận chỉ đủ sức gây xúc động, nhưng chưa đạt đến sự lay động.

Hơn 63.000 lượt người xem cho đến hôm nay, Cánh đồng bất tận vẫn tiếp tục cháy vé trong những ngày tới vì theo nhiều phòng vé tại TPHCM, hầu như những vị trí đẹp đã được đặt hết. Cũng nhiều khán giả khen ngợi phim. Người ta đến xem, vì tò mò xuất phát từ tác phẩm nguyên gốc vốn đã gây “sốt”, vì hoạt động truyền thông của phim rất tốt, vì trailer được hé lộ rất đẹp, vì muốn ủng hộ và yêu thêm phim Việt; những gương mặt trẻ như Lan Ngọc diễn xuất rất hồn nhiên và tốt…

Đó là điều đáng để mừng, và tất nhiên, đáng để khích lệ. Nhưng những gì cần phê bình thì vẫn nên phê bình, để sau một bộ phim được nhiều thuận lợi, ưu điểm mà vẫn “chưa tới”, sẽ có những bộ phim khác “tới” hơn, lay động hơn, thuần hậu và thành công hơn.

Ngọc Mai

Đọc thêm