Phim dành cho người lớn vẫn bị cắt như thường
Sau nhiều năm áp dụng việc phân loại phim chỉ ở 1 mức duy nhất là NC16, bản dự thảo tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi với 4 cấp độ vừa được đưa ra để lấy ý kiến trước khi trình phê duyệt và dự kiến áp dụng trong năm tới.
'Bi, đừng sợ!' cấm khán giả dưới 16 tuổi khi ra rạp và trên thực tế đã bị cắt nhiều cảnh bị cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục. |
Theo đó, các phim sẽ phân loại khán giả đến 13 tuổi. Và lần đầu tiên phim Việt sẽ được gán mắc 18+. Cụ thể, với các phim bị dán nhãn C18, nội dung 'khỏa thân và tình dục' được quy định như sau.
Khỏa thân: Chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, nhưng phải phù hợp với nội dung phim, không miêu tả cận cảnh các bộ phận sinh dục, không diễn ra thường xuyên (miêu tả quá 3 lần) và không kéo dài thời lượng (vượt quá 5s).
Tình dục: Chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện hoạt động tình dục phù hợp với nội dung phim nhưng không được miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên và không kéo dài thời lượng; miêu tả hoạt động tình dục của người đồng tính ở mức độ nhẹ như ôm, hôn nhưng phải phù hợp với nội dung phim, không kéo dài thời lượng.
Tức là dù các phim chỉ dành cho khán giả trên 18 tuổi thì vẫn bị kiểm soát chặt chẽ bởi những quy định này. Đặc biệt với việc quy định không cho các cảnh khỏa thân và tình dục dài quá 5s và miêu tả quá 3 lần trong phim được cho là cứng nhắc và quá máy móc, hạn chế sáng tạo của các nhà làm phim.
Cùng với dự thảo phân loại phim mới này một khi được áp dụng thì các phim 18+ trước khi nhận giấy phép phổ biến ngoài rạp phải chịu 3 lớp 'kiểm duyệt', tức là không những chịu sự kiểm soát của Điều 11 - Luật Điện ảnh và Nghị định 54 về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh mà còn phải đáp ứng được tiêu chí phân loại của các phim dành cho người lớn.
Do vậy, cho dù có được dán nhãn C18 thì các phim ra rạp (dù là Việt Nam hay nước ngoài) hoàn toàn có thể bị cắt những cảnh không phù hợp hoặc bị cho là kéo dài thời lượng hay diễn ra thường xuyên.
Trong trường hợp quy định này được áp dụng trong thực tế thì chắc chắn những bộ phim có những cảnh tình dục và khỏa thân gây sốc như Sống trong sợ hãi, Bi! Đừng sợ, Đập cánh giữa không trung... sẽ phải hạn chế đi rất nhiều để không phạm luật.
Thế giới ứng xử với phim người lớn thế nào?
Hình ảnh trong trailer phim 'Love' gây chấn độngLHP Cannes 2015 |
Bộ phim gây tranh cãi gần đây nhất chính là 'Love' của đạo diễn người Pháp Gaspar Noé được trình chiếu tại LHP Cannes. 'Love' gây sốc từ loạt poster phim khi chụp cận cảnh bộ phận sinh dục nam và cảnh hôn tập thể của bộ ba diễn viên chính. Đặc biệt, bộ phim này có tới quá nửa dung lượng (75/135 phút) là các cảnh khỏa thân và tình dục, trong đó nhiều cảnh các diễn viên sex thật.
Tuy nhiên khi chiếu rạp tại Pháp, dù bị không ít người phản đối, 'Love' vẫn không cắt bỏ cảnh nào mà chỉ hạn chế khán giả bằng cách phân loại phim. Trước đó, phim này cấm khán giả dưới 16 tuổi nhưng sau đó được dán nhãn 18+ với lý do các cảnh phim quá nóng và không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi.
Bộ phim từng gây tranh cãi khác có nội dung liên quan đến tình dục là 'Nymphomaniac' của đạo diễn Đan Mạch Lars von Trier dù có nhiều cảnh khiêu khích nhưng không bị cắt bỏ mà chỉ được Hiệp hội phim ảnh Hoa Kỳ phân loại NC 17 (không dành cho khán giả dưới 17 tuổi).
'Blue Is the Warmest Colour' - bộ phim giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2013 cũng từng gây chấn động dư luận với cảnh sex kéo dài 15 phút giữa 2 nữ diễn viên chính - người sau đó giành giải Nữ diễn viên xuất sắc.
Dù gây nhiều tranh cãi về cảnh sex đồng tính trong phim nhưng 'Blue Is the Warmest Colour' chỉ bị dán nhãn 12+ khi chiếu tại Pháp mà không bị cắt xén. Tại Mỹ, phim này bị phân loại NC-17 (dành cho khán giả trên 17 tuổi) bởi chứa đựng nội dung tình dục trực diện.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bộ phim bị chiếu hạn chế ngay tại quê nhà cách đây 2 năm vì khắc họa những cảnh bạo lực và tình dục quá bạo lực như từng xảy ra với 'Moebius' của đạo diễn Hàn Quốc lừng danh Kim Ki-duk. Việc chiếu hạn chế thực ra là cấm chiếu bởi Hàn Quốc ít có những rạp chiếu hạn chế.
Mỗi quốc gia sẽ có các ứng xử và kiểm duyệt khác nhau với các tác phẩm điện ảnh chiếu rạp. Tuy nhiên đa phần chọn cách phân loại kỹ lưỡng để dành cho những đối tượng phù hợp.