Hoạt động này nhằm tăng cường năng lực giám sát môi trường biển và đẩy mạnh truyền thông pháp luật biển.
Theo nội dung ký kết, hai bên cùng nghiên cứu, góp ý đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trao đổi, tiếp nhận, chia sẻ thông tin về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy định của pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo…
Nội dung ký kết còn có trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm soát tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường biển; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tình hình vi phạm và hoạt động phòng, chống vi phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Hai bên cũng thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý những sự cố hoặc vi phạm pháp luật TN&MT trên biển; phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; phối hợp trong các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biển, giáo dục pháp luật về ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hợp tác quốc tế.
Đánh giá về ký kết này, Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Pháp chế CSBVN cho biết: “Chúng tôi có đầy đủ điều kiện, thế mạnh để giám sát những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đến từ các hoạt động hàng hải trên biển, kể cả những bất thường xảy ra đối với hoạt động xả thải của các khu công nghiệp bám biển, phát hiện tàu có nguy cơ gây tràn dầu, hay những sự cố khác. Biển Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều đã xảy ra khá nhiều vụ chìm tàu đáng tiếc, đặc biệt những con tàu chở dầu nguy cơ ô nhiễm rất cao.
Trong khi đó, biển Việt Nam có tuyến hàng hải quốc tế lớn đi qua, nếu chúng ta không giám sát chặt chẽ, có nghiệp vụ tốt thì đối với cả những con tàu qua lại tuyến hàng hải tưởng như vô hại song lại rất có thể gây tổn thương môi trường khi họ tiến hành xả trộm, đổ trộm phế thải hoặc xả cặn dầu trên biển”.
CSBVN đã phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng không cho tàu tuồn hàng gây ô nhiễm vào cảng và giám sát chặt chẽ để đề phòng sau khi không nhập khẩu lậu được sẽ mang ra vùng biển Việt Nam đổ xuống tẩu tán. Ngoài ra, CSBVN đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc chấp pháp trên biển.
“Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên, liên tục ví dụ phát tờ rơi về những thông tư, nghị định hướng dẫn thực thi pháp luật biển cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ tàu biển, cho bà con ngư dân. Trong các lần xử lý vi phạm hành chính đối với các tàu cá mất an toàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chúng tôi đều giải thích về mặt pháp lý, nói rõ vi phạm và tuyên truyền để các chủ tàu hiểu về những quy định của pháp luật Việt Nam trên biển”, Đại tá Nam cho biết.