Thêm hành trang cho ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển

(PLO) - Gần đây, do không nắm vững các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như của các nước trong khu vực nên có một số tàu cá của Việt Nam bị bắt và tạm giữ khi đánh bắt trên biển, đặt ra yêu cầu phải trang bị hành trang “kiến thức pháp lý” cho ngư dân.
Ông Hà Lê.
Ông Hà Lê.

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao đổi xung quanh vấn đề trên.

Luôn sát cánh cùng ngư dân 

Thưa ông, thực tế thời gian qua đã có một số tàu nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển của nước ta, bên cạnh đó cũng có một số tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắt và tạm giữ khi đánh bắt tại vùng biển các nước trong khu vực. Vậy lực lượng Kiểm ngư gặp những khó khăn gì khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư dân khai thác thủy sản xa bờ? 

- Với phạm vi vùng biển rộng lớn và đặc điểm khai thác (nghề, đối tượng, ngư trường...), tàu cá Việt Nam tham gia khai thác quanh năm và phân bổ trên khắp các vùng biển. Vì vậy đòi hỏi cần thiết phải có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục của các lực lượng thực thi pháp luật, trong đó có lực lượng Kiểm ngư để góp phần giảm áp lực khai thác, kịp thời giải quyết các tranh chấp xảy ra; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi cần thiết để ngư dân yên tâm hơn trong quá trình sản xuất trên biển. 

Tuy nhiên, là lực lượng mới được thành lập, mặc dù được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm chỉ đạo; được sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của lực lượng Kiểm ngư đang trong quá trình hoàn thiện nên vẫn chưa đáp ứng được với phạm vi hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ. Đây là khó khăn cơ bản nhất của chúng tôi. 

Mặc dù chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền tới cộng đồng ngư dân nhưng nhiều tàu cá và ngư dân khai thác ở vùng biển xa bờ vẫn chưa chủ động tạo mối liên lạc thường xuyên với các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển; nhiều tàu cá còn cố tình tắt các thiết bị giám sát hành trình. Vì vậy, khi có tình huống xảy ra, nếu ngư dân cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thì việc điều động lực lượng, triển khai các phương án hỗ trợ, bảo vệ ngư dân sẽ không được kịp thời. 

Nhưng vẫn có một bộ phận ngư dân cố tình có các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản cũng như hiện tượng tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta cũng gây rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. 

Vậy, hiện tại, lực lượng Kiểm ngư đã có những hoạt động gì để ngư dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật mỗi khi đánh bắt xa bờ?

- Để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân đang khai thác thủy sản trên vùng biển, lực lượng Kiểm ngư đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng khác triển khai công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của ngư dân khi khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt tăng cường công tác xử lý đối với tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trên ngư trường truyền thống của nước ta để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác thủy sản. 

Chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng Biên phòng, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở tàu cá trước khi ra khơi đảm bảo trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc, an toàn hàng hải... theo đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường triển khai công tác tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức. 

Cụ thể là tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy sản của Việt Nam và pháp luật thủy sản các nước trong khu vực như: Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippines…; hướng dẫn, hỗ trợ cho ngư dân biết ranh giới các vùng biển, các khu vực không được phép xâm phạm để ngư dân nắm bắt, thực hiện; vận động ngư dân khai thác trên biển theo tổ, đội; tập huấn cho ngư dân các kỹ năng xử lý các tình huống trên biển; vận động ngư dân thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng của nước ta trong quá trình khai thác thủy sản trên biển, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình tàu cá và lực lượng chấp pháp các nước hoạt động trên ngư trường. 

Sẵn sàng phối hợp thực hiện Đề án của Báo Pháp Luật Việt Nam

Thưa ông, trường hợp khi ngư dân gặp các sự cố trên biển, ông có lời khuyên gì cho họ trước khi được cơ quan chức năng hỗ trợ?

- Để xảy ra các sự cố đối với ngư dân trên biển là việc không ai mong muốn, việc cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng rất phức tạp và khó khăn. Chính vì vậy, khi hoạt động khai thác trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt thì việc đầu tiên ngư dân cần làm là phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị: tàu cá phải được đăng kiểm đảm bảo an toàn; phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn lao động, thông tin liên lạc, an toàn hàng hải, phao, áo cứu sinh, trang thiết bị phòng chống cháy nổ, cứu hỏa… theo đúng quy định của pháp luật trước khi ra khơi. 

Trường hợp nếu xảy ra sự cố trên biển, ngư dân phải tìm mọi biện pháp để liên lạc ngay với các cơ quan chức năng (Đài Thông tin Duyên hải, các số điện thoại hoặc tần số liên lạc của các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư), liên lạc với gia đình ở bờ, liên lạc với các tàu cá khác đang hoạt động trong khu vực; sử dụng các tín hiệu cảnh báo tàu đang gặp sự cố (bật đèn, treo cờ, treo dấu hiệu theo quy định hàng hải). 

Trường hợp bị tàu khác đâm va thì cố gắng ghi nhận tọa độ, vị trí, đặc điểm, số hiệu, dấu hiệu nhận biết... và thông báo với cơ quan chức năng để có căn cứ đấu tranh, xử lý. Bình tĩnh tiến hành khắc phục sửa chữa, khắc phục sự cố, cố gắng điều động tàu ra khỏi vùng nguy hiểm và thường xuyên thông báo vị trí, tọa độ của tàu trên các kênh thông tin liên lạc. 

Hiện nay, Báo Pháp Luật Việt Nam đang tổ chức Đề án “Tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí” cho người dân. Ông có nhận xét gì đối với Đề án này? 

- Việc tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo đối với người dân, đặc biệt là ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển xa là rất cần thiết. Thực tiễn cho thấy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng luôn mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tôi rất hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của Quý Báo. 

Với đối tượng tuyên truyền là ngư dân, chủ yếu sinh sống ở các khu vực ven biển, hải đảo có đời sống văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau; đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn; cư trú không tập trung, thời gian trên biển nhiều, trình độ dân trí chưa cao... ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật. 

Vì vậy, đề nghị Quý Báo nên khảo sát để có những ấn phẩm hoặc hình thức tuyên truyền thiết thực, phù hợp. Cục Kiểm ngư sẵn sàng phối hợp cùng Quý Báo để triển khai thực hiện Đề án này. 

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm