Huy động nhân lực, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo
Từ ngày 3 - 20/10/2017, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát Biển 1 và các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An và Quảng Bình đã ký kết hiệp đồng huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam giữa BTL Vùng và UBND các địa phương trên. Đây là bước cụ thể hóa Nghị định số 30/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 130/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 153/2016/TT-BQP về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Theo nội dung hiệp đồng giữa BTL Vùng Cảnh sát Biển 1 và UBND các tỉnh, thành trên địa bàn hoạt động, khi có tình huống xảy ra, mỗi tỉnh, thành huy động từ 10 đến 20 tàu cá có công suất từ 300 mã lực trở lên tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam. Mỗi tàu phải đảm bảo có đủ giấy đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm, thiết bị, phụ tùng thay thế, dụng cụ sửa chữa, phòng chống cháy nổ, chống chìm, áo phao và phao cứu nạn.
Hàng năm, BTL Vùng Cảnh sát Biển 1 hiệp đồng với Bộ CHQS các tỉnh, thành trên về nội dung chương trình huấn luyện cho tàu thuyền dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam. Nội dung thống nhất theo chương trình huấn luyện do Bộ Tổng Tham mưu biên soạn, thời gian tham gia huấn luyện 2 ngày/năm. BTL Vùng Cảnh sát Biển 1 phối hợp với các địa phương và ban ngành có liên quan trong việc rà soát đăng ký, quản lý, huấn luyện lực lượng, phương tiện được huy động; phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân hoạt động trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia trên vùng biển đảo được phân công.
Theo kế hoạch, trong tháng 11/2017, BTL Vùng Cảnh sát Biển 1 sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức ký kết hiệp đồng huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp
Sáng 24/10, BTL Cảnh sát Biển và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác và ký kết bản ghi nhớ hợp tác cam kết phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định nhằm thể hiện sự quyết tâm, chung tay cùng hành động trong Chương trình hành động Quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU). Trung tướng Hoàng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát Biển và bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị diễn ra trong thời điểm Việt Nam bị EU “giơ thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP cho biết, việc nhận thẻ vàng của EU sẽ tạo ra phiền phức rất lớn, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU. Sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác.
Đại diện VASEP cho biết: Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian dài, thậm chí 3-4 tuần/container, và riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất nặng nề. Trường hợp như Philippines, có đến 70% số container bị từ chối trả lại. Tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container. Sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.
Tại Hội nghị, hai bên đã cùng trao đổi về thực trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp, làm rõ vai trò, trách nhiệm của BTL Cảnh sát Biển và VASEP. Trên cơ sở đó tăng cường mối quan hệ hợp tác trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Tại Hội nghị, BTL Cảnh sát Biển và VASEP đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ trao đổi thông tin; tuyên truyền, đấu tranh chống khai thác hải sản bất hợp pháp; phối hợp kết nối với các địa phương, đơn vị, cơ quan quản lý về chống khai thác IUU trong và ngoài nước để có được sự hỗ trợ, tư vấn giúp Việt Nam khắc phục được những khuyến nghị đưa ra về IUU, đồng thời thiết lập và vận hành trung tâm dữ liệu nghề cá phục vụ truy xuất nguồn gốc IUU giúp Việt Nam tránh trường hợp bị thẻ vàng từ EU.