Cảnh sát cơ động sẽ xử lý những tình huống phức tạp về an ninh, trật tự

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ rõ về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động khi giải trình tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động của Quốc hội sáng nay (26/10).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động, với vị trí chức năng là lực lượng thuộc công an nhân dân, phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động được thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Theo đó cảnh sát cơ động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều động của cấp có thẩm quyền để triển khai lực lượng, biện pháp, kịp thời xử lý những vụ việc, những tình huống phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.

“Thực tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng giải quyết các vụ việc có liên quan đến an ninh quốc gia (như tập trung đông người, gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, đấu tranh triệt phá các tụ điểm, các băng ổ nhóm tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội) của cảnh sát cơ động cho thấy các vụ việc không chỉ xảy ra các tỉnh, thành phố lớn trọng điểm mà còn xảy ra ở các tỉnh, khu vực miền núi, biên giới. Đặc biệt, có những vụ việc xảy ra lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, nhiều thành phố”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Về quyền hạn, ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái tấn công xâm phạm các mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, ngoài bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định, cảnh sát cơ động còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các Hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, các sự kiện hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc xử lý phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ.

Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ nói riêng.

“Ví dụ như những trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao.

Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho cảnh sát cơ động trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu, bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang canh gác, bảo vệ, cần được quy định thẩm quyền này cho cảnh sát cơ động tại dự thảo luật”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Đọc thêm