Carsten Moritz, người đứng đầu đơn vị buôn người thuộc Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang (BKA), nói với đài truyền hình RBB, những người di cư Việt Nam bị đưa bất hợp pháp tới Đức và châu Âu qua Trung Quốc hoặc Nga.
Những người Việt Nam bị thu hút bởi việc làm ở châu Âu, nhưng khi đến nơi, họ thường phải làm việc trong "điều kiện bóc lột" để trả nợ buôn lậu, với giá khoảng 10.000 đến 20.000 euro (12.000 đến 24.000 USD) mỗi người.
Theo BKA, một "mạng lưới khổng lồ" đang "hoạt động khắp châu Âu" đứng đằng sau hoạt động buôn người từ Việt Nam, tạo ra "số tiền khổng lồ" cho bọn tội phạm.
Một hoạt động trên toàn châu Âu sẽ được khởi động trong năm nay để giải quyết vấn đề do BKA khởi xướng. Hoạt động này sẽ nđiều động cảnh sát từ các quốc gia bao gồm Ba Lan, Anh, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc và Bỉ cũng như cơ quan thực thi pháp luật EU Europol.
Trước đó, cảnh sát đã phát hiện những người di cư - bao gồm cả trẻ vị thành niên - làm việc bất hợp pháp trong các tiệm mát-xa, tiệm làm móng tay và nhà hàng, cũng như ngành dệt may và làm sạch.
“Quận Lichtenberg phía đông Berlin, nơi có Trung tâm Đồng Xuân, một trong những chợ châu Á lớn nhất của Đức, đóng vai trò trung tâm”, ông Moritz nói.
Vào tháng 3 năm ngoái, cảnh sát Đức đã thực hiện một loạt cuộc truy quét những kẻ tình nghi là người Việt buôn người và bắt giữ 6 người liên quan đến tội danh đưa 155 người Việt Nam sang Đức buôn lậu.
Những người chọn thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm đến châu Âu thường phải chịu đựng những điều kiện kinh khủng.
Vào năm 2019, 39 người di cư Việt Nam được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe tải đông lạnh ở Anh ngay sau khi họ băng qua eo biển Manche từ lục địa Châu Âu.