Cảnh sát phạt nặng tài xế có cồn khi lái xe, số ca tai nạn nhập viện giảm mạnh

(PLVN) - Sau một tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, số ca tai nạn giao thông nhập viện do rượu bia giảm mạnh so với trước.
Cảnh sát phạt nặng tài xế có cồn khi lái xe, số ca tai nạn nhập viện giảm mạnh

ThS Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trung bình một ngày, khoa khám cấp cứu 100-130 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% có liên quan bia rượu. Tuy nhiên, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tại khoa giảm chỉ còn khoảng 60-70 ca/ngày và liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%.

“Riêng ngày 7/1 trong ca trực của tôi, chỉ có 58 bệnh nhân nhập viện. Số lượng cấp cứu giảm 50% so với trước và không có ca nào gặp tai nạn giao thông do rượu, bia”, BS Hùng nói.

Cũng theo Ths.BS Vũ Xuân Hùng, mọi năm, thường các bệnh nhân nhập viện bị đa chấn thương rất nặng do uống rượu chủ yếu là đối tượng thanh niên. Nhất là vào dịp cận Tết, lượng người tham gia giao thông nhiều, bệnh viện thường phải bố trí các kíp trực để đáp ứng lượng bệnh nhân tai nạn gia tăng. Tuy nhiên, so với thời điểm này năm ngoái, năm nay, các bác sĩ đỡ vất vả hơn.

Theo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trước đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn. Tuy nhiên, từ ngày 1-6/1, bệnh nhân tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn giảm còn 8%.

Tình trạng ngộ độc rượu, bia cũng giảm hẳn. Bác sĩ Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, những năm trước, cứ mỗi dịp cận Tết, khoa phải cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc do rượu, bia. Nhiều người hôn mê, nôn nhiều, suy đa tạng, phải lọc máu khẩn mà vẫn không giữ được tính mạng. Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tại khoa chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào ngộ độc.

"Luật đã có hiệu quả, góp phần giảm tải áp lực cho ngành y tế", bác sĩ Dẫn nói.

Đọc thêm