Việc CĐS giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy sáng tạo, chủ động, hiệu quả, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT, đóng góp tích cực vào tiến trình CĐS của tỉnh Cao Bằng.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là trường chuyên biệt thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT học sinh dân tộc nội trú bậc THPT là con em các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Năm học 2022 - 2023, trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện công tác CĐS.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lê Thị Lan Phương cho biết: Hiện nay, nhà trường được đầu tư 3 phòng máy tính, 1 phòng bộ môn tin học, 2 phòng bộ môn tiếng Anh, 15 máy vi tính phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn, văn phòng; “phủ” Internet tốc độ cao đến phòng máy và các phòng làm việc. Việc tiếp nhận văn bản qua hệ thống gmail, IOffice nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí. 100% giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt các phần mềm thông dụng, các thông tin thông báo gửi đến, đi thuận lợi, nhanh chóng.
Nhiều trường trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý giáo dục, như: công tác quản lý, điều hành văn bản bằng hệ thống IOffice; quán triệt toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động làm quen, sử dụng thành thạo mạng xã hội zalo, facebook, email công vụ để kịp thời nhận nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu công việc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tiến Sỹ, việc ứng dụng CNTT trong quản trị nhà trường giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi không phải đến từng lớp để kiểm tra như trước đây. Lãnh đạo quản lý của nhà trường chỉ cần thao tác trên máy vi tính cá nhân là đã có thể theo dõi tình hình học tập của 620 học sinh, gần 70 cán bộ, giáo viên tại trường.
Theo Sở GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có trên 13.000 học sinh; 518 trường mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập, 1 Trường Cao đẳng Sư phạm, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; trên 10.900 cán bộ quản lý, giáo viên. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh ứng dụng một số phần mềm để phục vụ công việc, kết quả này một phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm quản lý, điều hành văn bản trong công tác chỉ đạo, điều hành với Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh qua IOffice; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội bộ, chuyên ngành được vận hành và sử dụng hiệu quả như: email công vụ, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, công tác tổ chức, quản lý học sinh, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý tài sản... Triển khai dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên triển khai dịch vụ trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, 4.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý thi, từ năm 2015, ngành GD&ĐT xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý công tác thi tuyển sinh đầu cấp, xét tốt nghiệp lớp 9, các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh... Đặc biệt, trong những năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 học sinh không thể đến lớp học trực tiếp, ngành chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả các nền tảng dạy học trực tuyến nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến tình hình dịch bệnh. Sở GDĐT tạo miễn phí 9.000 tài khoản cho giáo viên, 91.000 tài khoản học sinh trên hệ thống Microsoft Team để triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả bước đầu, công tác CĐS trong lĩnh vực dạy và học tại các trường trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn như: trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý chưa đồng đều giữa các bậc học, một số ít cán bộ quản lý chưa ý thức đầy đủ về vai trò của CNTT trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là kỹ năng sử dụng máy tính dẫn đến việc khai thác dữ liệu, các ứng dụng phục vụ cho công tác chuyên môn...
Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Văn Dương cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành GD&ĐT triển khai thí điểm hệ sinh thái giáo dục thông minh từ năm 2020, đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai đồng bộ tới các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Các đơn vị bước đầu thử nghiệm sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng CNTT kết nối, tương tác, trao đổi thông tin…
Nhiều đơn vị, trường học thực hiện việc chuyển đổi từ sổ sách truyền thống sang sổ sách điện tử. Sở GD&ĐT triển khai phần mềm quản lý thông tin thư viện, thiết bị, y tế trường học đến tất cả các trường từ Tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh. Hiện đang thực hiện dự án số hóa sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp của người học đã tốt nghiệp từ năm 1990 đến nay nhằm quản trị tốt dữ liệu, phục vụ các công việc liên quan đến quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu từ cơ sở giáo dục đến các cơ quan quản lý giáo dục, sử dụng phần mềm chung có thể kết nối với cơ sở dữ liệu ngành để quản trị nhà trường; ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 toàn diện với phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục. Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT, đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội về CNTT nhằm thu hút nguồn kinh phí hợp pháp để hỗ trợ xây dựng các nền tảng số và ứng dụng CNTT trong GD&ĐT. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vai trò của ứng dụng CNTT, CĐS trong các hoạt động GD&ĐT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT, CĐS và công tác thống kê trong giáo dục; tổ chức đánh giá, công bố chỉ số CĐS đối với cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục.