Tối tháng 10 năm ngoái, một chiếc Lamborghini Aventador dạo một vòng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, các bạn phóng viên được dịp mở cờ hơn cả trẻ con trong làng chạy theo xem múa lân. Giữa đêm đó, các báo đăng tin siêu xe Aventador triệu đô trên phố đi bộ Nguyễn Huệ như một sự tái xuất. Người làm xáo động trang báo ấy là doanh nhân Cao Hoài Trung, tên thường gọi là Trung Cao.
Niềm đam mê bất tận với tốc độ và đường cong...
Nếu các bạn phóng viên được mục sở thị gara của doanh nhân Trung Cao thì có lẽ sẽ còn hứng thú hơn nữa. Trong đó hiện nay đã có 7 chiếc xế hộp họ nhà Rolls Royce, Lamborghini, Ferrari…15 chiếc mô tô các loại và cả những chiếc…xe đạp.
Một trong số các trang báo đăng hoặc đăng lại bản tin nói trên, một bạn đọc bình luận: “Có 26 tỷ mình sẽ mua con Maybach s600 & Jaguar Xjl 2015 chứ không mua mấy con gầm thấp này đâu, vừa hao xăng lại không đi lại được nhiều”. Ngay lập tức một bạn đọc khác đốp lại: “Bạn có 26 tỷ thì đúng rồi. Người ta có cả ngàn tỷ thì phải khác chứ”.
Nói như thế không phải chỉ để mô tả một Cao Hoài Trung nhiều tiền lắm của mà là để đề cập đến một phương diện khác, rất đỉnh của doanh nhân này. Đó là phong cách sống của anh.
Trong một buổi sáng mùa Thu năm nay, tôi chứng kiến, Cao Hoài Trung thực hiện một chu trình “thiền động” của mình. Anh bắt đầu từ chiếc xe đạp. Nhẹ nhàng nhấn bàn đạp chạy vòng vòng trong sân nhà. Tay cầm ghi đông như nâng niu, chiếc xe vững chãi lướt nhẹ nhàng và người điều khiển như phiêu du cùng nắng sớm. Hết vài vòng, anh dừng và cho chiếc xe nghỉ ngơi.
Vào nhà xe, anh chọn một chiếc mô tô. Cắm chìa khóa, đề máy nẹt nẹt pô mấy phát như đánh thức cả dàn xe. Anh lắng nghe tiếng pô để thăm dò “sức khỏe” của chiếc xe. Cũng phải thôi. Mỗi lượt “thiền động” thì anh chỉ có thể dùng mỗi loại một chiếc. Với số lượng xe của mình, tính ra phải 10 ngày liên tục anh mới chạm khắp một vòng bao gồm “hổ”, “báo”, “bò” các loại.
|
Lui chiếc xe, anh ngồi thẳng lưng và mở vòng chân hết cỡ. Đảo một vòng nhẹ nhàng, cũng trong sân nhà, anh đổi sang tư thế sport. Lại một vòng nữa anh tựa ghế salon. Đưa xe về vị trí cũ, anh đi khắp một lượt thăm từng chiếc xem “bạn ấy” giờ này ra sao.
Cao Hoài Trung có một hệ thống triết lý khá chặt chẽ về cách tận hưởng cuộc sống và anh thực hiện rất nhất quán triết lý ấy. Có lẽ nhờ vậy mà trông anh lúc nào cũng năng động, trẻ trung. Lý thuyết của anh là “Ba động” và “Ba bước”. Quá trình chơi xe mà buổi sáng hôm ấy tôi chứng kiến thuộc về “động ham muốn” và bước “thiền động” trong hệ thống lý thuyết của anh.
Thăm xong một lượt, anh đi sang gara bên cạnh. Những chú gà trống sắc màu sặc sỡ nhướng cổ, dáng vẻ oai vệ nhìn lên anh như vừa quen, vừa tò mò. Mở cánh cửa một chiếc Lamborghini, cắm khóa đề pa.
Hai đèn xi-nhan chớp chớp. Con xe như mừng rỡ vì tới lượt được lựa chọn. Động cơ V12 phát ra âm thanh đầy uy lực sau mỗi cái chạm nhẹ mớm ga. Cũng phải thôi, động cơ này có tới 48 van, dung tích 6.5L, công suất 690 mã lực (700 PS).
Chiếc xe từ từ bò ra khỏi cửa, rồi nhẹ nhàng lăn bánh trên con đường nhỏ. Anh bảo vệ của một văn phòng phía đối diện cúi chào. Trong xe, Cao Hoài Trung cũng khoát tay lại: “Buổi sáng vui vẻ nha!”. Chạy một lát, anh bảo vệ của một quán cà phê vẫy vẫy, giơ ngón tay ra hiệu “number one”, Trung Cao khoát tay chào lại và trong xe cũng rộn rã tiếng cười.
Chạy một lát, một anh nọ đi xe SH chồm lên chào qua cửa lái. Trong xe vọng ra: “Đi đâu về đấy?”. Ngoài xe đáp vào “Đi đón con đi học về.”. “Anh đi đâu đấy?”. Trong xe trả lời: “Cho em nó đi dạo một chút…”. Rất nhẹ nhàng và thân thiện.
|
“Ba động" và "ba bước"
Lúc ngồi cà phê với nhau, trả lời cho câu hỏi thắc mắc giúp bạn đọc “Làm thế nào để có được thu nhập hay nguồn lợi bằng 1/10 anh thôi?”, Trung Cao cho biết đời đẹp lắm, mình hãy cảm ơn đời. Chỉ vào ly nước trước mặt, anh nói, nếu lạc quan thì mình sẽ nói “Ôi, tôi còn nửa ly nước nữa cơ.
Hạnh phúc quá! Hạnh phúc quá!”; Còn nếu kém lạc quan thì sẽ nói “Tôi đã hết mất nửa ly rồi, chỉ còn nửa ly nữa thôi”. Hãy lạc quan - doanh nhân Cao Hoài Trung chia sẻ - lạc quan sẽ giúp mình có lối sống tích cực và phương pháp làm việc hiệu quả.
Rời con đường nhỏ, xe đang chuẩn bị tăng tốc thì một chiếc Mẹc phía sau bấm còi tin tin. Trung Cao nói anh em đang chào mình. Đảo một vòng phố xá Sài Gòn với từng đường lái nắn nót, chiếc xe trở lại nơi xuất phát. Vừa về đến nhà, một trong số các anh xe ôm nhanh nhảu chạy đi bấm chuông cửa giúp. Mọi người chào nhau thật vui vẻ, không thấy khoảng cách xa lạ.
Ở Sài Gòn cũng không phải quá hiếm những người có doanh số khoảng 15 - 20 ngàn tỷ mỗi năm bằng hoạt động kinh doanh chân chính. Nhưng trong số đó không ít người luôn có vẻ mệt mỏi vì áp lực công việc; Lại có người lúc nào cũng bận rộn tối mặt tối mày; Lại có người hừng hực năng lượng nhưng tinh thần lúc nào cũng như chiến binh, đầy sự tranh đua…
Trung Cao thì khác, lúc nào cũng thư thái nhẹ nhàng. Có việc mà cũng như không có việc, không có việc cũng có thể tưởng là có việc. Cái sự hoạt bát mà thư thái thuộc về “động não và động chân tay” trong triết lý “Ba động” của anh.
“Ba động” của Cao Hoài Trung là “vận động”, “động não” và “động ham muốn”. Trong đó, “động ham muốn” là cố gắng duy trì những sở thích hay niềm đam mê của từng cá nhân, bất kể lứa tuổi. Theo anh, đam mê điều gì cũng tốt. Hãy cháy bỏng nhưng đừng quá đáng.
Với anh, siêu xe Bò đỏ, Lambor đỏ... niềm đam mê bất tận tốc độ và đường cong...cũng chỉ là một sự đam mê như những người khác mê sưu tập tem, sưu tập đồng hồ, sưu tập ảnh, sưu tập bản đồ…Anh luôn động viên những người xung quanh rằng hãy sống nhiệt tình với những đam mê của mình.
Đam mê chứ không phải ham hố. Mỗi người mỗi quan điểm khác nhau, chính yếu tố “động ham muốn” này giúp anh thấy trần gian cũng là thiên đường chứ không phải bể khổ.
“Ba bước” là sự cụ thể hóa của “Ba động”, bao gồm: Bước một là động não và động tay chân. Bước hai là “sáng động”, “thiền động” và “tắm động”. “Sáng động”, theo anh là sự vận động ngay từ khi thức dậy, chẳng hạn sẽ đứng trước gương tự quan sát mình, nói to để tự kiểm tra thanh sắc và thần thái của mình.
“Thiền động” là sự tập trung 100% vào sự đam mê của mình. Từ xe đạp vòng sân đến Lamborghini vòng phố của anh là thuộc về “thiền động”. Thực sự bước này là sự tận hưởng niềm đam mê của mình. Xong rồi đến “tắm động”, là cách thức vệ sinh cá nhân. Riêng khoản tắm, theo anh thì như tận hưởng cơ thể mình.
Bước thứ ba là việc thực hiện phương châm sống với các quan điểm: Chân - thiện - mỹ - nhẫn - lợi; Bế tinh dưỡng khí tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình. Và cuối cùng là chữ “Kệ”. Ở đây không phải là bỏ mặc mà, theo anh là “Kệ!...chuyện nhỏ mà...Kệ!...từ từ tính...để được an toàn, được bình an, vui vẻ và thành công.....(giận quá thường mất khôn và không được an toàn)...”.
|
Nhờ "kệ" mà với anh chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không có. Có lẽ do vậy mà khi gặp anh, người đối diện luôn có cảm giác như được truyền cảm hứng. “Đời đẹp lắm. Hãy yêu đời đi sẽ thấy cuộc sống đáng quý biết dường nào” - doanh nhân Cao Hoài Trung chia sẻ.