Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huyện Mộc Châu (Sơn La) có 88% diện tích là núi đồi bát úp hẹp và dốc, hơn nữa, nơi đây có nhiều xã bản nằm trong vùng đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, nhất là tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, làm cho công cuộc giảm nghèo đã khó càng thêm khó. Nhưng cũng chính những khó khăn đó là minh chứng rõ ràng về sự kiên trì, nỗ lực vượt khó của những người làm tín dụng chính sách suốt 22 năm qua ở Mộc Châu.
Cán bộ tín dụng NHCSXH Mộc Châu thăm hộ gia đình đồng bào DTTS sử dụng vốn chính sách để giảm nghèo, ổn định đời sống. (Ảnh: PV)
Cán bộ tín dụng NHCSXH Mộc Châu thăm hộ gia đình đồng bào DTTS sử dụng vốn chính sách để giảm nghèo, ổn định đời sống. (Ảnh: PV)

Từ huyện có nhiều khó khăn về địa lý ở vùng cao biên giới đồi núi nhiều, diện tích rộng lớn, hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đông, nhưng trong những năm vừa qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đơn cử trong năm 2023, cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo ở Mộc Châu cũng khá ấn tượng, còn 3,5% và theo đánh giá sơ bộ đến tháng 11/2024, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống dưới 3,5%.

Cùng với đó, vốn chính sách góp lực thực hiện các cơ chế chính sách tạo việc làm mới, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống đối với lao động nông thôn và thực hiện hiệu quả chương trình “xóa nhà dột nát cho hội viên nông dân nghèo” và duy trì phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau” trên cao nguyên Mộc Châu.

Đạt được kết quả giảm nghèo nhanh, vững bền như vậy, theo ông Phạm Việt Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mộc Châu, trước hết do cấp ủy, chính quyền, địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực tài chính chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đặc biệt trong 10 năm qua, do triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dòng chảy tín dụng chính sách trên vùng cao Mộc Châu luôn được khơi thông, chảy đều đặn, góp phần thiết thực, hiệu quả giúp dân phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Riêng 11 tháng năm 2024, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Mộc Châu đạt hơn 126 tỷ đồng với 2.436 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ của NHCSXH Mộc Châu đến tháng 11 này đạt 379 tỷ đồng, tăng so với cuối năm ngoái hơn 50 tỷ đồng.

Cùng với việc mở rộng tín dụng, việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể đặc biệt chú trọng quan tâm thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì ổn định, ngày càng nâng cao, để rồi đến nay, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,2% tổng dư nợ, nợ quá hạn bằng 0 và số xã không có nợ quá hạn là 11 trong tổng số 15 xã, thị trấn của huyện. Những nỗ lực của NHCSXH Mộc Châu đã góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới vùng cao nguyên trong nhiều năm liên tục.

Theo ông Trần Dân Khôi - Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, những nỗ lực của NHCSXH Mộc Châu cùng hệ thống chính trị đã góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới lãnh thổ.

Vốn chính sách đã phủ kín cao nguyên Mộc Châu rộng lớn, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng giúp cho 677 hộ thoát ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 8.499 lao động, tạo điều kiện xây dựng, sửa chữa 8.218 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển và chăn nuôi được 9.732 con trâu, bò, trồng mới được 1.418ha cây ăn quả,…

Trên những điểm tựa thành công của hoạt động tín dụng chính sách trong 22 năm qua cũng như 11 tháng năm 2024, NHCSXH huyện Mộc Châu đạt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu ngân hàng cấp trên giao năm 2024, riêng nguồn vốn huy động từ ngân sách địa phương cũng tăng đều đặn.

Cùng với nền tảng tín dụng đã tạo dựng trong thời gian qua, ông Phạm Việt Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Mộc Châu kỳ vọng hoạt động tín dụng chính sách những năm tháng tiếp theo sẽ đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của huyện, để mỗi dịp năm mới về nhìn lại tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, vững chắc và miền cao nguyên thêm no đủ, tươi sáng từ dòng vốn tín dụng chính sách.

Đọc thêm