Cao thủ hóa đơn “ma” "đi đêm" với nhiều thành viên TKV

Gần 10 đơn vị thuộc TKV gồm các doanh nghiệp như Chi nhánh 1 Hà Nội của Cty cổ phần du lịch & thương mại, Cty than Nam Mẫu, Cty cổ phần than cọc 6, Cty cổ phần vật tư, vận tải đưa đón mỏ, Cty than Cao Sơn, Cty cổ phần than Tây Nam Đá Mài, Cty cổ phần chế tạo máy TKV, Cty than Dương Huy, Cty than Núi Béo… đã tiêu thụ gần trăm tỷ đồng bằng hóa đơn "ma".

Cơ quan CSĐT CA thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vừa kết luận điều tra vụ án “lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”. Theo đó, một loạt doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam đã tiêu thụ gần trăm tỷ đồng hàng hóa bằng hóa đơn “ma”.

Cao thủ bán hóa đơn “ma”

Trần Hoàng Long (SN 1972, trú tại thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) vốn là lao động tự do. Muốn phất nhanh, Long nghĩ ra cách làm giàu: thành lập doanh nghiệp để mua bán lòng vòng hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn VAT) nhằm  chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của Nhà nước. Cuối năm 2005, Cty TNHH Thương mại Hoàng Long (do Long làm giám đốc) ra đời. Có doanh nghiệp trong tay, Long liền liên hệ với một loạt doanh nghiệp “ma” trên địa bàn TP. Hải Phòng để “nhập” đầu vào của hóa đơn VAT, “đầu ra” hóa đơn VAT của Long là những doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh, trong đó có không ít các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT CA thị xã Uông Bí, từ năm 2005 – 2008, Long đã “làm xiếc” trên 695 tờ hóa đơn VAT với số tiền “ma” lên tới hơn 125 tỷ đồng để chiếm đoạt của Nhà nước 8,3 tỷ tiền thuế VAT.

Từ năm 2009 đến trước khi bị bắt (tháng 10/2009), do Tổng cục Thuế  quy định đối với tổ chức, doanh nghiệp khi mua bán hàng hóa từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện chuyển khoản, nếu thanh toán bằng tiền mặt, hóa đơn VAT không có giá trị kê khai khấu trừ thuế. Để qua mặt cơ quan thuế, Long đã yêu cầu các “đối tác” muốn mua hóa đơn của Long phải mở tài khoản tại ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản này. Sau khi “xuất” hóa đơn khống, trừ đi % tiền mua hóa đơn, Long sẽ chuyển trả tiền lại cho người mua.

Cao thủ hóa đơn “ma” "đi đêm" với nhiều thành viên TKV ảnh 1
Cty than Nam Mẫu cũng "dính chàm" với việc đi đêm với hóa đơn "ma". Ảnh: Việt Hưng

Nhằm che dấu hành vi phạm tội của mình, khi giao dịch với những doanh nghiệp “ma” trên địa bàn Hải Phòng, dưới các chứng từ mua bán hàng hóa, các phiếu chi tiền, biên bản giao nhận hàng hóa… trong bộ chứng từ thanh toán Long đều ký với tên giả là Quân với tư cách là người mua hàng.

Doanh nghiệp của TKV cũng “dính”

Theo tài liệu từ cơ quan CA, gần 10 đơn vị thuộc TKV gồm các doanh nghiệp như Chi nhánh 1 Hà Nội của Cty cổ phần du lịch & thương mại, Cty than Nam Mẫu, Cty cổ phần than cọc 6, Cty cổ phần vật tư, vận tải đưa đón mỏ, Cty than Cao Sơn, Cty cổ phần than Tây Nam Đá Mài, Cty cổ phần chế tạo máy TKV, Cty than Dương Huy, Cty than Núi Béo… là “khách hàng” của Long. Những cán bộ của các doanh nghiệp này đã mua hàng hóa vật tư thiết bị ngành mỏ bán trôi nổi trên thị trường Hà Nội, Hải Phòng nhưng không có hóa đơn. Để hợp thức hóa đầu vào cho số vật tư này, cán bộ của các doanh nghiệp này đã tìm đến với Long.

Cơ quan CSĐT thị xã Uông Bí đã làm rõ có gần 84 tỷ tiền vật tư, thiết bị phục vụ cho TKV được Long “chế biến”, đưa vào hạch toán kê toán và kê khai khấu trừ thuế VAT.

Theo khai nhận của Long và các cán bộ của các doanh nghiệp thuộc TKV có liên quan trong vụ án, Long hoàn toàn “giúp” không, không lấy “phí” đối với các hóa đơn VAT liên quan đến ngành than. Đối với các doanh nghiệp khác, Long thu “phí” bán hóa đơn VAT bằng 1,5% tổng số tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn.

Có một thực tế, để qua mặt cơ quan chủ quản trong việc hợp thức hóa vật tư, thiết bị trôi nổi trên thị trường, cán bộ trong các doanh nghiệp của TKV đã thỏa thuận, thực hiện việc mua bán hóa đơn với Trần Hoàng Long trong một thời gian dài. Thậm chí, hai bên có sự “tin cậy” đến mức một số đối tượng đã dùng tiền của cá nhân tương đương với trị giá hàng hóa ghi trong hóa đơn chuyển vào tài khoản của Long để Long viết hóa đơn khống. Sau khi bán hóa đơn “ma” cho các đối tượng này, Long lại đi rút tiền mặt trả cho “khách hàng” của mình.

Sau khi sự việc bị Cơ quan CSĐT CA thị xã Uông Bí phanh phui, các đối tượng này đều nhất tề khai nhận không hề trả “phí” cho việc mua bán hóa đơn “ma.” Liệu các lời khai này có bao nhiêu phần trăm sự thật. Biết rằng, để khắc phục hậu quả vụ án, các cựu cán bộ trong những doanh nghiệp thuộc TKV tham gia mua bán hóa đơn “ma” với  Trần Hoàng Long đã nộp vào tài khoản tạm giữ của CA thị xã Uông Bí hơn 3,9 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, cơ quan CSĐT CA thị xã Uông Bí đã ra quyết định khởi tố 13 đối tượng. Trong đó, ngành than có tới 6 cán bộ bị khởi tố. Vụ việc cho thấy, các doanh nghiệp làm ăn chỉn chu cũng khó thoát khỏi vấn nạn mua bán hóa đơn “ma”.

Linh Nhâm

Đọc thêm