Dự thầu có tính toán
Dường như các doanh nghiệp xây lắp và đầu tư hạ tầng trong nước đã biết cách “liệu cơm gắp mắm” khi nộp hồ sơ dự thầu tại các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo công bố mới nhất của Bộ GTVT, đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 20 nhà đầu tư mua hồ sơ nhưng có 8 nhà đầu tư nộp hồ sơ, gồm 4 nhà đầu tư độc lập và liên danh trong nước, 2 liên danh Việt Nam - Trung Quốc và 2 nhà đầu tư Trung Quốc.
Cụ thể, các nhà đầu tư và liên danh trong nước gồm: Vinaconex; Liên danh CIENCO4 - Công ty 194 - Thuận An; Liên danh Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Trung Nam - Tập đoàn Sơn Hải - Tổng công ty Xây dựng và Kỹ thuật Trung Nam; Liên danh Tập đoàn IDICO - Cường Thuận.
Ngoài ra, còn có 2 doanh nghiệp nội địa tham gia liên danh với nước ngoài là: Công ty Phương Thành - Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Truyền thông Đường sắt Trung Quốc; Liên danh Hùng Thắng - Công ty TNHH Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty PTE Ltd.
Các nhà đầu tư nước ngoài gồm: Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam.
“Sở dĩ đoạn này thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước vì có quy mô vừa phải. Có lẽ các doanh nghiệp trong nước nhận thấy nó phù hợp với khả năng của mình nên đã liên kết tham gia”, ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nhận định.
Được biết, đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng. Như vậy, số vốn huy động thông qua hình hợp đồng BOT ở đây thấp hơn nhiều so với 7 Dự án PPP còn lại thuộc cao tốc Bắc - Nam.
Tại các đoạn khác trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông như đoạn Nghị Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng có một số liên danh “thuần” doanh nghiệp trong nước góp mặt nhưng không nhiều do các dự án này đều có tổng mức đầu tư khá lớn.
QL14 đẹp như "dải lụa" do các nhà thầu trong nước thi công |
Tự tin “thi đấu”
Sau khi danh sách các nhà đầu tư tham gia sơ tuyển Dự án cáo tốc Bắc - Nam được công bố hồi nửa đầu tháng 7/2019, một số ý kiến cho rằng, với tiêu chí của Bộ GTVT, nhiều nhà đầu tư nội khó có “cửa” tham gia “sân chơi” này. Tuy nhiên, nếu quan sát cách lựa chọn dự án để đăng ký dự thầu của các doanh nghiệp trong nước ở đoạn Nha Trang - Cam Lâm, thì xem ra những nhận định nói trên chưa hoàn toàn là đúng?
Bởi thực tế, đầu năm 2019 - khi rục rịch sơ tuyển nhà đầu tư cho dự án này, đoạn Nha Trang - Cam Lâm là dự án nhận được đơn đăng ký tham gia sớm nhất từ liên danh nhà đầu tư trong nước. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã tính toán rất kỹ lưu lượng xe, phương án huy động vốn để tham gia đấu thầu.
Một điểm đáng lưu ý nữa là số 9 doanh nghiệp trong nước kết lại trong 4 liên danh “thuần” Việt ở Dự án Nha Trang - Cam Lâm nói trên đều là những tên tuổi lớn trong giới thầu xây lắp và đầu tư hạ tầng ở Việt Nam.
Cụ thể, CIENCO 4 từng là chủ đầu tư các Dự án BOT trên QL1 và tỉnh miền núi Bắc Kạn; Sơn Hải - Tập đoàn từng được dư luận biết tới bởi những cung đường bảo hành 5 năm không hằn lún trên Tây Nguyên và QL1. Các thương hiệu còn lại như Vinaconex, Trung Nam… đều là những nhà thầu có “máu mặt” trên thị trường xây lắp Việt Nam… Thực tế đó có thể sẽ là một trở ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các liên danh có yếu tố nước ngoài còn lại trong cuộc chơi này?
Ở góc độ khác, nếu các nhà đầu tư ngoại có lợi thế về vốn, kinh nghiệm thi công, thì các nhà đầu tư trong nước lại có lợi thế “sân nhà”, am hiểu pháp luật Việt Nam và địa bàn triển khai dự án...