Nhiều tỉnh đã hoàn thành 90% công việc
Ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải-GTVT) cho biết, dịch Covid-19 hiện nay không ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
“Hoạt động GPMB vẫn diễn ra bình thường. Khi làm việc mọi người đều đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, ông Hiển cho biết.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa thông tin, công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 – Nghi Sơn vẫn diễn ra bình thường, đúng tiến độ. Theo ông Trung, do chưa có lệnh cấm hay cách ly liên quan đến dịch Covid -19 nên các ban GPMB các huyện vẫn làm việc bình thường.
“Chúng tôi đã giải phóng mặt bằng được cơ bản, đoạn qua huyện Nông Cống gần như đã thông suốt, chỉ còn vướng một chút ở đoạn thị xã Nghi Sơn”, ông Trung nói và cho biết đoạn này đang vướng khoảng vài trăm hộ vì liên quan đến xác minh nguồn gốc đất của các hộ dân. Theo cam kết với Bộ GTVT, khoảng tháng 9/2020, địa phương sẽ giao toàn bộ mặt bằng sạch cho Bộ để thực hiện công tác thi công.
Đại diện Sở GTVT Nghệ An cho biết, công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt trên địa phận tỉnh này đã thực hiện được 90%. Hiện, khối lượng công việc còn lại của Nghệ An là xây dựng tái định cư.
“Khoảng 3 - 4 tháng nữa chúng tôi sẽ hoàn thành GPMB. Dịch Covid-19 hiện nay không ảnh hưởng đến công tác GPMB. Nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn, chúng tôi sẽ có những biện pháp để sớm xong GPMB và bàn giao cho bộ GTVT”, ông An nói.
Tại Quảng Trị, tỉnh này đã bàn giao xong toàn bộ 37,3/37,3km mặt bằng của dự án Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn và là tỉnh đầu tiên đã hoàn thành GPMB tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua 5 địa phương của tỉnh Quảng Trị, diện tích ảnh hưởng khoảng 261ha, chủ yếu là đất rừng, đất ở nông thôn.
Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng 210 hộ, trong đó ảnh hưởng 27 ngôi nhà, phải bố trí tái định cư (Cam Lộ 25 hộ, Triệu Phong 2 hộ). Đến nay, tất cả 11 gói thầu xây lắp tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt.
Sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật
Về công tác giải ngân cho hạng mục giải phóng mặt bằng, năm 2019, Bộ GTVT đã giải ngân 4740,08 tỷ/5.185,58 tỷ, đạt 91%. Năm 2020 đã giải ngân 1.946 tỷ đạt 38,1% . Đến đầu tháng 7/2020, khối lượng mặt bằng để xây dựng cao tốc Bắc - Nam còn khoảng 19%, tập trung vào những hạng mục phức tạp như xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường nước). Đây là thách thức quyết định tiến độ GPMB còn lại chưa bàn giao của dự án.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn Dự án; chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm khởi công các dự án (đặc biệt là Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45); khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công đối với các dự án thành phần đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn (cả trong thi công và trong khai thác sử dụng), tiến độ, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm làm thất thoát tài sản nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh có dự án đi qua quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB theo đúng quy định của pháp luật để bàn giao cho các đơn vị thi công chậm nhất vào ngày 31/8/2020; cùng với Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.
Liên quan đến cao tốc Chi Lăng- Hữu Nghị, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 6339/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét đề xuất cân đối vốn cho Dự án giai đoạn 2021-2025. Tỉnh ủy Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 4327/VPCP-CN ngày 1/6/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, tại Văn bản số 4327/VPCP-CN, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho Dự án; chủ động quyết định lựa chọn phương án đầu tư tối ưu phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí và đúng quy định của pháp luật.