Trong bản cáo trạng này, căn cứ cáo buộc ông Liêm “phạm tội”, theo VKS, là “không thực hiện đúng quy định về quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, là vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 25 Nghị định 112/2009/NĐ-CP.
Nội dung điểm đ như sau: “Quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư: Quyết định việc áp dụng, sử dụng giá vật liệu xây dựng công trình, giá nhân công, giá máy và thiết bị thi công làm cơ sở cho việc lập đơn giá xây dựng, dự toán xây dựng công trình; tham khảo giá do các tổ chức có chức năng công bố, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự và mặt bằng giá thị trường để áp dụng cho công trình”.
Nói cách khác, cơ quan tố tụng Long An cho rằng ông Liêm có sai phạm về vấn đề báo giá trong gói thầu.
LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP HCM) phản bác: “Theo khoản 2 Điều 49 Luật Đấu thầu 2005 (là bộ luật có hiệu lực tại thời điểm hai bên ký hợp đồng), gói thầu này là hợp đồng trọn gói nên “giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ”.
Khoản 1 Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu, điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng cũng đã quy định, cụ thể hóa quy định trên.
“Nói cách khác, trong gói thầu này, nếu áp giá hoặc thay đổi lung tung thì ông Liêm mới sai luật. Còn nếu không thì ông Liêm đã tuân thủ đúng các quy định. Ngoài ra không thể viện dẫn một điều khoản của Nghị định để phản bác một điều khoản của Luật. Cơ quan tố tụng Long An đã áp dụng sai quy định trong cáo trạng”, LS Quynh nói.
Cáo trạng này cũng sử dụng Kết luận giám định (KLGĐ) số 4213/KLGĐ-STC của Sở Tài chính ngày 25/9/2020, cho rằng “Sở Y tế... không thực hiện đúng quy định về quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình”. Như PLVN đã phản ánh, bản KLGĐ này có dấu hiệu không hợp pháp, vi phạm tố tụng, vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định tư pháp (GĐTP).
|
Cáo trạng “thần tốc” của VKSND Long An. |
Chỉ trong một vụ án này, ít nhất Sở Tài chính đã 3 lần giám định và 2 lần bổ sung, số liệu “vênh” nhau, có bản KLGĐ không có chữ ký của Giám định viên, PGĐ Sở Tài chính Huỳnh Văn Sơn dù không phải là giám định viên, cũng không phải người đứng đầu Sở, nhưng vẫn ký ban hành kết luận giám định, để làm “căn cứ” kết tội; có bản KLGĐ hình thức giám định tập thể thì những người giám định cùng thực hiện việc giám định, cùng ký vào bản KLGĐ, nhưng vẫn chỉ có một chữ ký giám định viên.
Theo Điều 34 Luật GĐTP, có căn cứ rõ ràng để đánh giá Sở Tài chính Long An không khách quan, thiếu vô tư trong khi thực hiện giám định lại, nên không được thực hiện giám định. Thế nhưng CQĐT Công an tỉnh vẫn trưng cầu, Sở Tài chính vẫn “vô tư” cho ra KLGĐ 4213/KLGĐ-STC, là “sai phạm chồng sai phạm”.
Như PLVN đã phản ánh, năm 2014 Sở Y tế thực hiện gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tòa nhà cơ quan, giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói.
Tháng 7/2014, nhà thầu nhập thiết bị về thi công thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký. Ông Liêm chỉ đạo cho dừng thi công để kiểm tra lại. Tập đoàn Sony sau đó có văn bản khẳng định đảm bảo hàng hóa cung cấp đúng theo tiêu chuẩn chất lượng chính hãng Sony và hưởng các chế độ bảo hành toàn cầu… Tháng 9/2014, hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng.
CQĐT Công an tỉnh sau đó khởi tố vụ án với ông Liêm dù ông Liêm không tham gia bất kỳ khâu nào của gói thầu, mà chỉ là đại diện Sở Y tế. Ngay từ khi bị khởi tố, ông Liêm đã kêu oan, cho biết theo quy định thì số tiền 1,92 tỷ chỉ là tiền tạm ứng. Phải chờ đến năm 2019, khi tỉnh có quyết toán vốn đầu tư dự án này, thì hai bên mới có quyền tính toán chính xác còn thừa thiếu bao nhiêu, trả lại ngân sách.
Ông Liêm cho rằng trong dự án này, không hề có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, và cũng không có “hậu quả nghiêm trọng” nào xảy ra; nên cơ quan tố tụng Long An khởi tố điều tra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là vô lý. Ông Liêm khẳng định mình bị oan và cho rằng nguyên nhân sâu xa đến từ việc khi đương nhiệm ông đã không chấp nhận một số DN “sân sau” lũng đoạn ngành y địa phương, nên bị trù dập.
Ông Liêm yêu cầu trong vụ việc này, cần phải trưng cầu giám định cơ quan TW, để kết luận quy trình tạm ứng thanh quyết toán với dự án trên có đúng hay không? Có hậu quả thất thoát nghiêm trọng hay không? Và các đối tượng đã cố tình giám định sai có dấu hiệu phạm tội “cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối” theo Điều 382 BLHS.