Theo báo cáo của sở cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh, trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long có 494 tàu, trong đó 404 tàu vỏ gỗ, 90 tàu vỏ thép đang hoạt động, với 178 tàu lưu trú ngủ đêm, 316 tàu tham quan. Nguy cơ cháy, nổ với tàu du lịch vận chuyển khách trên Vịnh, nhất là đối với tàu du lịch vỏ gỗ là rất cao. Trên tàu lắp đặt nhiều vật liệu và đồ dùng dễ cháy nổ như gỗ, nhựa, mút, rèm mành, xăng dầu, khí gas.
Đa số tàu đã được đóng từ lâu, một số tàu đã được hoán cải, hệ thống điện đã xuống cấp, dây dẫn lão hóa nhưng do được lắp đặt trong lớp vách gỗ hoặc nhựa nên việc kiểm tra, bảo dưỡng thay thế là rất khó, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy cao. Ngoài nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ cháy là do chập điện.
Vẫn còn hiện tượng nấu ăn trên tàu, hút thuốc, đốt hương, đốt vàng mã. Đặc biệt, hệ thống dây điện trêu tàu khi thiết kế được đi chìm trong vỏ tàu, cộng với việc chủ tàu tự ý thêm phần mút xốp cách âm giữa các khoang đã làm tăng nguy cơ cháy tàu lên nhiều lần. Số tàu vỏ thép là những tàu đóng mới nên hệ thống, trang thiết bị PCCC đều đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, trên vịnh Hạ Long xảy ra 7 vụ cháy tàu du lịch. Tuy các vụ cháy không chết người nhưng đã có 3 người bị thương và thiệt hại lớn về tài sản, lên tới gần 40 tỷ đồng. Đặc biệt, chưa đầy một tuần vừa qua, đã xảy ra 2 vụ cháy tàu và các tàu bị cháy đều là tàu vỏ gỗ.
Đó là vụ cháy tàu QN 2071 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du thuyền Bhaya, chở 7 khách du lịch nghỉ đêm (5 khách nước ngoài, 2 khách Việt Nam, cùng 5 nhân viên nhà tàu) trên vịnh Hạ Long, mà nguyên nhân được xác định là do chập điện từ bình nóng lạnh. Và gần đây nhất là đêm ngày 14/2, tàu chở hàng Quốc tế cập cảng Cái Lân (mang quốc tịch Panama) đã cháy rụi phần ca bin của trưởng tàu, cũng do chập điện.
Trước những diễn biến phức tạp về cháy tàu du lịch trên Vịnh trong thời gian gần đây, các đại biểu dự họp đã phân tích, chỉ rõ nguyên nhân gây cháy, biện pháp xử lý, đề xuất bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật và các giải pháp để nâng cao hệ số an toàn cho các tàu du lịch hiện nay.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát lại các hợp đồng vận chuyển đối với các chủ tàu, thay đổi các phương án đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Nếu các chủ tàu không thực hiện theo đúng hợp đồng, ban quản lý vịnh chủ động và kiên quyết cho ngừng hoạt động.
Chủ tịch tình Quảng Ninh cũng yêu cầu Ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với cảnh sát PCCC xem xét việc lắp hệ thống chữa cháy bằng khí CO2 tại buồng máy, lắp hệ thống bơm nước sử dụng điện dự phòng, đi đường điện nổi thay thế hệ thống đường điện ngầm tại các tàu hiện nay, tháo bỏ các vật liệu cách âm, cách nhiệt là chất dễ cháy, nghiêm cấm việc nấu ăn trên tàu, hút thuốc và các hoạt động dễ gây cháy nhằm hạn chế cao nhất nguy cơ cháy nổ trên tàu; yêu cầu các chủ tàu và thuyền trưởng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC.