Quyền Chủ tịch EP Dimitrios Papadimoulis cho biết, các nghị sỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ "đa số áp đảo" ủng hộ việc tước quyền miễn truy tố của bà Marine Le Pen, sau khi Chủ tịch đảng FN chia sẻ các hình ảnh bạo lực của IS trên mạng xã hội Twitter - đăng hình ảnh phiến quân IS chặt đầu nhà báo người Mỹ James Foley.
“Búa rìu” cáo buộc
Trước đó (28-2), bà Marine Le Pen đã chỉ trích những nỗ lực tước quyền miễn trừ của mình, nhưng bất thành. Việc này diễn ra sau khi bà Marine Le Pen, đang phải đối mặt với án tù 3 năm và số tiền phạt 75.000 euro.
Trước đó (23-2), bà Catherine Griset, trợ lý lâu năm của bà Marine Le Pen, đã bị buộc tội lạm dụng tín nhiệm trong cuộc điều tra liên quan đến việc Chủ tịch đảng FN chiếm dụng khoảng 360.000 USD từ EP. Bà Marine Le Pen bị cáo buộc chiếm dụng số tiền kể trên để trả lương cho các trợ lý.
Theo kết quả thăm dò do hãng Kantar Sofres Onepoint tiến hành cho tờ Le Figaro và các kênh truyền hình RTL và LCI công bố tối 26-2, bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron sẽ là 2 ứng cử viên lọt vào vòng 2 trong cuộc đua tranh chức Tổng thống sắp tới.
Dư luận cho rằng, việc ông Emmanuel Macron chấp nhận đề nghị liên minh với Chủ tịch đảng "Phong trào Dân chủ" (MoDem) Francois Bayrou đang giúp cựu Bộ trưởng Kinh tế tăng thêm sức mạnh, vượt qua các ứng cử viên và có thể đánh bại bà Marine Le Pen.
Dư luận cho rằng, “búa rìu” dư luận nhằm vào bà Marine Le Pen và ông Francois Fillon - cả hai đều bị cáo buộc lạm dụng công quỹ, đang tạo điều kiện cho cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, người theo đường lối trung dung vào Điện Elysee.
Bà Marine Le Pen vừa cáo buộc giới truyền thông "đang vận động" cho ông Emmanuel Macron. Chủ tịch đảng FN cáo buộc "những nhóm lợi ích tài chính và phương tiện của ông Macron trong truyền thông" rõ ràng đã đứng về cựu Bộ trưởng Kinh tế.
Cựu Thủ tướng Francois Fillon |
Bê bối tài chính?
Trong khi đó, ông Bruno Le Maire, đồng minh trong nhóm vận động tranh cử của cựu Thủ tướng Francois Fillon đã quyết định rời liên minh tranh cử này. Quyết định hôm 1-3 của ông Bruno Le Maire có khả năng khiến tỷ lệ ủng hộ ông Francois Fillon tiếp tục giảm trong bối cảnh uy tín của cựu Thủ tướng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ bê bối tài chính liên quan đến vợ con.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, ông Francois Fillon nhận được 21% phiếu ủng hộ, thấp nhất trong 3 ứng cử viên, gồm bà Marine Le Pen, ông Emmanuel Macron. Cùng ngày 1-3, ông Francois Fillon cho biết, đã nhận được thông báo triệu tập đến tòa án vào ngày 15-3, vì bị truy tố liên quan đến vụ bê bối tài chính kể trên.
Cho đến nay, cựu Thủ tướng Francois Fillon vẫn bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng, vợ và con trai ông "làm giả lĩnh lương thật" trong thời gian làm nghị sỹ. Việc Viện Công tố tài chính quốc gia (PNF) chỉ định 3 thẩm phán điều tra về các cáo buộc sử dụng công quỹ để trả lương cho vợ con đang khiến tỷ lệ ủng hộ ông Francois Fillon giảm sút.
Nhưng cựu Thủ tướng khẳng định sẽ không rút khỏi cuộc đua vào Điện Elysee bởi ông coi mình là nạn nhân của một "cuộc ám sát chính trị" khi bị đối xử bất bình đẳng trong quá trình khởi tố vụ án. “Họ không những đang giết hại tôi, mà cả cuộc bầu cử tổng thống Pháp", ông Francois Fillon tuyên bố trước báo giới tại thủ đô Paris hôm 1-3.
Trước đó (26-2), ông Francois Fillon còn cáo buộc Chính phủ Pháp chưa nỗ lực trong kiểm soát các hành vi bạo lực đang gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử. Theo cựu Thủ tướng, Pháp đang chứng kiến tình trạng "như thể nội chiến" và điều này ảnh hưởng tới tranh cử.
Bởi bạo động đã bùng phát trong cuộc biểu tình chống bà Marine Le Pen tại thành phố Nantes tối 25-2. Tờ Le Figaro dẫn thông cáo của Bộ Nội vụ cho biết, 11 cảnh sát và hiến binh đã bị thương, trong khi nhiều cửa hàng bị hư hại nặng nề và cảnh sát đã bắt 8 người quá khích.
Nhiều nông dân hy vọng, bà Marine Le Pen sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh khốn khổ trong tương lai bằng việc đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu.