Cặp đôi "Adam và Eva" sẽ được tới sao Hỏa?

Triệu phú Mỹ Dennis Tito có một mơ ước gửi hai người Mỹ lên sao Hỏa trong một nhiệm vụ rủi ro cao, ngân sách hạn chế và nếu thực hiện thành công chuyến đi tới hành tinh đỏ sau 501 ngày, ông sẽ phá vỡ các rào cản trong việc đưa người tiến vào không gian sâu trong vũ trụ.

Triệu phú Mỹ Dennis Tito có một mơ ước gửi hai người Mỹ lên sao Hỏa trong một nhiệm vụ rủi ro cao, ngân sách hạn chế và nếu thực hiện thành công chuyến đi tới hành tinh đỏ sau 501 ngày, ông sẽ phá vỡ các rào cản trong việc đưa người tiến vào không gian sâu trong vũ trụ.

Sẽ chỉ ghé thăm sao Hỏa

“Chúng ta đã không đưa người tới không gian sau Mặt trăng trong hơn 40 năm qua" - Dennis Tito nói trong một cuộc họp báo tổ chức ở Washington hôm 27/2 để giới thiệu về chương trình chinh phục sao Hỏa mang tên Inspiration Mars của ông."Tôi đã chờ đợi và rất nhiều người ở tuổi tôi đã chờ đợi. Tôi nghĩ rằng đã tới lúc chấm dứt sự chờ đợi. Dự án này nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ"- ông nói.

Du khách từng bay lên Trạm vũ trụ quốc tế này cùng chỉ trích cái mà ông xem là 4 thập kỷ trì trệ trong chương trình chinh phục không gian có người điều khiển của Mỹ. Ba năm trước, Tổng thống Obama đã nói về khả năng Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đưa tàu lên sao Hỏa vào giữa năm 2030. Nhưng Tito cho rằng "khi đó ông đã 95 tuổi rồi và không thể chờ đợi được".

bb
Triệu phú Dennis Tito sau khi trở về từ chuyến bay lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS

Kế hoạch của Tito là đưa một người đàn ông và một người đàn bà lên sao Hỏa trên tàu vũ trụ Dragon do công ty SpaceX đang nghiên cứu chế tạo. Khi được hỏi vì sao lại tìm một cặp nam nữ để thực hiện chuyến bay, Taber MacCallum, quan chức phụ trách kỹ thuật của dự án nói rằng việc này có ý nghĩa biểu tượng, "bởi một người đàn ông và đàn bà sẽ đại diện cho cả nhân loại".

Nhưng hành trình tới sao Hỏa của Tito sẽ không có màn đổ bộ xuống bề mặt hành tinh Đỏ. Sẽ không có việc đặt chân và cắm cờ lên mảnh đất lầm bụi của hành tinh này. Không có việc mang đất về Trái đất và hiển nhiên cũng sẽ không có việc tìm kiếm sự sống ở sao Hỏa. Sao Hỏa sẽ hiện ra rồi biến mất trong "gương chiếu hậu" của con tàu, khi nó quay trở về Trái đất, kết thúc hành trình dài hơn 1,3 triệu km.

Sẽ không có cơ hội hối hận

Dự kiến chuyến bay sẽ diễn ra vào ngày 5/1/2018 nhằm tận dụng thời điểm thẳng hàng giữa Trái đất và sao Hỏa. Sự kiện này chỉ xảy ra sau mỗi 15 năm và đó là khi một con tàu vũ trụ với lượng nhiên liệu hạn chế hoàn toàn có thể bay tới hành tinh Đỏ và trở lại.

Tito hiển nhiên sẽ không bay tới sao Hỏa. Ông năm nay đã 72 tuổi, quá già yếu cho một hành trình mạo hiểm đòi hỏi các phi hành gia phải dồi dào về thể lực cũng như tinh thần như vậy.

vvv
Mô hình con tàu vũ trụ sẽ đưa phi hành gia của Tito lên ghé thăm sao Hỏa

MacCallum, 48 tuổi và vợ anh,  Jayne Poynter, 50 tuổi, hiện là các ứng viên tiềm năng cho chương trình. Hai thập kỷ trước, bộ đôi này đã có 2 năm sống trong Biosphere2, một công trình làm từ thép và kính nằm ở Arizona trong khuôn khổ một chương trình mô phỏng cuộc sống ngoài không gian.

Theo cố vấn của Tito là Jonathan Clark, một cựu bác sĩ của NASA,  việc NASA không tham gia chương trình của Tito là bởi những rủi ro trong sứ mạng đã lớn vượt mức họ có thể chấp nhận. Ông chỉ ra rằng ngay khi con người vượt qua quỹ đạo thấp của Trái đất, mức độ phóng xạ vũ trụ mà cơ thể phải nhận sẽ tăng lên chóng mặt, khiến cơ thể sống có nhiều nguy cơ bị ung thư.

Nếu các phi hành gia ốm đau hoặc bị thương. Sẽ không có bệnh viện để chữa trị cho họ. Ngoài ra, họ cũng sẽ không có cơ hội để hủy bỏ hành trình hay trốn thoát khỏi con tàu, khi họ đã ở cách Trái đất tới hàng triệu cây số.

Bởi tia phóng xạ có thể gây tổn hại tới trứng và tinh trùng của sinh vật sống, Tito đã quyết định rằng những người tới sao Hỏa đầu tiên của Trái đất phải có tuổi cao hơn độ tuổi sinh sản.

Các rủi ro khác được tính tới còn gồm việc bỏ lỡ một "lỗ chìa khóa" nhỏ trong không gian gần sao Hỏa và kết quả là con tàu sẽ phóng đi mãi trong không gian. Ngoài ra còn phải kể tới việc con tàu vũ trụ có khả năng sẽ bốc hơn tại Trái đất trong chuyến trở về với tốc độ tàu khi đi trở lại bầu khí quyển sẽ lớn chưa từng thấy.

Tham vọng đánh bại Trung Quốc

Tiền thực tế cũng là mối quan tâm lớn của các nhà quan sát khi biết về dự án tham vọng của triệu phú Mỹ.

“Nếu anh có 1-2 tỷ đô la, việc tới sao Hỏa là hoàn toàn có thể về mặt kỹ thuật" - Robert Zubrin, chủ tịch Hội sao Hỏa và là người lâu nay vẫn phản đối việc đô hộ hành tinh này, tuyên bố - "Quan điểm nghi ngờ của tôi không nằm ở mặt kỹ thuật. Câu hỏi của tôi là liệu những gã đó có nổi một tỷ đô la hay không?"

Có vẻ như câu trả lời là không. Tito không nằm trong nhóm 500 tỷ phú giàu nhất Mỹ và hôm 27/2 ông đã phải mở trang web vận động trên Internet để bắt đầu gây quỹ cho chuyến bay "từ thiện" của mình. Quỹ Inspiration Mars của ông cũng đang đàm phán với Hội Địa lý Quốc gia Mỹ để đưa chương trình vào các lớp học và cuối cùng là phát sóng nó.

Dù còn nghi ngờ, nhưng Zubrin cho rằng nhiệm vụ của Tito nếu thành công sẽ giống với chuyến bay đầu tiên của Charles Lindbergh vượt qua Đại Tây Dương. "Nỗ lực này sẽ phá vỡ chiếc lồng tư tưởng cho rằng chúng ta không thể đi tới hành tinh khác, cho tới khi chúng ta tìm ra được một loại động cơ đẩy đời mới" - ông nói.

Được biết lần cuối cùng con người rời khỏi quỹ đạo của Trái đất là trong sứ mạng Apollo cuối cùng đưa người lên Mặt trăng hồi năm 1972. Đó cũng là thời điểm khép lại cuộc đua không gian trong Chiến tranh Lạnh.

Mục tiêu khi đó của nước Mỹ, được rót vốn bằng tiền thuế dân, là đánh bại Liên Xô. Với Tito, mục tiêu nhiệm vụ hiện nay của ông, với sự hỗ trợ của các khoản quyên góp, là đánh bại nỗ lực chinh phục không gian của Trung Quốc.

Tường Linh

Đọc thêm