Cấp phép hoạt động lấn biển có phát sinh thủ tục mới?

(PLVN) - Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, quy định cấp phép hoạt động lấn biển bản chất là giao khu vực biển để lấn biển. Việc cấp phép sẽ không phát sinh thủ tục mới. Mặt khác, việc cấp phép lấn biển cũng không ảnh hưởng đến thủ tục cấp phép đầu tư dự án...
Chuyên gia đề nghị, kế hoạch lấn biển phải nêu rõ những tác động của hoạt động này đối với tự nhiên, môi trường.

Làm rõ tác động đến tự nhiên, môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quản lý hoạt động lấn biển. Dự thảo nghị định quy định về phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nguyên tắc hoạt động lấn biển; Kế hoạch lấn biển của dự án đầu tư; Cấp phép và thu hồi Giấy phép lấn biển; Nghiệm thu, xác nhận diện tích, ranh giới quỹ đất sau lấn biển;…

Theo dự thảo, lấn biển là hoạt động đổ đất, đá và vật liệu khác xuống biển để lấp biển và tạo lập quỹ đất phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Và dự án đầu tư lấn biển là dự án đầu tư có hoạt động lấn biển. Dự thảo cũng quy định rõ thẩm quyền cấp phép hoạt động lấn biển, dự án nào thuộc thẩm quyền cấp của Bộ TN&MT, dự án nào thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh, quá trình hoàn thiện Dự thảo, tổ soạn thảo và các đơn vị phải tập trung làm rõ, hoàn thiện 2 vấn đề liên quan đến các quy định về cấp phép lấn biển; quản lý quỹ đất hình thành sau lấp biển trước khi trình ký.

Mục đích lấn biển chủ yếu là để xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu đô thị và khu dân cư, thực hiện các dự án bất động sản ven biển; phát triển cảng biển và cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng cá, các khu công nghiệp ven biển, các công trình phát triển năng lượng như nhiệt điện, điện gió…; các công trình bảo vệ bờ biển, phòng, chống, giảm thiểu tác hại của thiên tai như đập phá sóng, đê chắn sóng, khôi phục và trồng rừng ngập mặn ven biển…

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là hầu hết các khu vực lấn biển ban đầu có tính tự phát, chưa được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng hay quy hoạch để phù hợp với chế độ thủy văn, hải văn, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng bền vững các khu vực lấn biển.

Góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định này, các chuyên gia cho rằng, nên làm rõ hơn về quy định khu vực không được lấn biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực biển đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng. Việc cấp phép lấn biển cần rà soát đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan, tránh việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản hiện hành và các quy định trong dự thảo Nghị định này….

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, trong mỗi bản kế hoạch lấn biển phải nêu rõ những tác động của hoạt động này đối với tự nhiên, môi trường, đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là như những tác động đến: Thủy văn và nước ngầm; Biển, sông và nước lợ; Hệ thống sinh học và sinh thái biển và nước ngọt; Giao thông và tiếp cận; Quản lý chất thải; Giá trị đất đai;…

PGS.TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thì cho rằng, dự thảo nên quy định không cho phép sử dụng cát ở biển để lấn biển, trừ trường hợp sử dụng cát nạo vét để lấn biển. Bởi hút cát dưới biển sẽ gây ra xói lở bờ biển, gây thiệt hại kinh tế - xã hội lớn hơn nhiều lần diện tích biển có được khi lấn biển. Hơn nữa, tất cả các dự án lấn biển đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bởi, hoạt động lấn biển, đổ đất đá xuống biển sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, dễ gây ra hiện tượng xói lở, bồi đắp xung quanh.

Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khẳng định, quy định cấp phép hoạt động lấn biển bản chất là giao khu vực biển để lấn biển. Việc cấp phép sẽ không phát sinh thủ tục mới. Mặt khác, việc cấp phép lấn biển cũng không ảnh hưởng đến thủ tục cấp phép đầu tư dự án. Giấy phép lấn biển chỉ là thủ tục đi theo quyết định đầu tư dự án…

Hiện nay, ngoài các thủ tục về cấp phép đầu tư, các dự án lấn biển trước khi được thực hiện phải thực hiện các quy định về giao khu vực biển, trước được quy định chi tiết tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP (Nghị định 51) ngày 21/5/2014 của Chính phủ. Nay được thay thế bằng Nghị định 11/2021/NĐ-CP (Nghị định 11).

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Nghị định 11 có rất nhiều điểm mới, nổi bật như: quy định tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân có phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, tức là phải được giao khu vực biển để sử dụng (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định và một số trường hợp không thực hiện thủ tục giao khu vực biển); trong đó đặc biệt quan trọng là bổ sung quy định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Nghị định 11 cũng đã chỉnh sửa các trường hợp bị thu hồi khu vực biển cho phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Cũng theo ông Tùng, Nghị định 11 đã đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển cho chính quyền địa phương, mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh ra đến 6 hải lý so với Nghị định 51 trước đây chỉ đến 3 hải lý; thêm thẩm quyền giao khu vực biển cho UBND cấp huyện đối với nuôi trồng thủy sản.

Đọc thêm