Cấp vốn cho cao tốc Bắc – Nam: Ngân hàng chưa hết băn khoăn

(PLVN) - Dù xác định đầu tư vốn cho cao tốc Bắc – Nam phía Đông không chỉ là công việc kinh doanh đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra băn khoăn trong việc cấp vốn cho các dự án này.
Ngân hàng vẫn còn băn khoăn khi cấp vốn cho các nhà đầu tư dự án giao thông.
Ngân hàng vẫn còn băn khoăn khi cấp vốn cho các nhà đầu tư dự án giao thông.

Vay tín dụng hơn 15 nghìn tỷ đồng

Dự án (DA) xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có 11 DA thành phần. 6 DA đã được đầu tư công, còn 5 DA đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) gồm: DA Quốc lộ 45 –Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP, tổng số vốn 5 DA PPP vào khoảng 39.530 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) là 20.136 (chiếm 51%); vốn nhà đầu tư (NĐT) là 19.394 tỷ đồng (chiếm 49%), gồm vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% (3.879 tỷ đồng), vốn huy động tín dụng khoảng 15.515 tỷ đồng. 

Theo tìm hiểu của PLVN, nguồn vốn NSNN và vốn chủ sở hữu của NĐT đã sẵn sàng. Tuy nhiên, cái khó của NĐT hiện nay là việc huy động vốn tín dụng để thực hiện 5 DA PPP. Ngày 5/10 vừa qua, cả 5 DA trên đã được các Ban quản lý DA (PMU) của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mở thầu.

Tuy nhiên, 2 DA không nhận được bất cứ NĐT nào nộp hồ sơ là đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu. “Khả năng do phía ngân hàng không mặn mà đến 2DA này nên NĐT không thu xếp được vốn nên không nộp hồ sơ xin thực hiện DA”- một đại diện Bộ GTVT cho hay.

Trước đó, do lo ngại DN không đủ vốn để thực hiện DA, mà thực chất là lo ngại ngân hàng không cấp đủ vốn cho DN thực hiện DA, nên 3DA thành phần PPP khác là Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đã được chuyển sang đầu tư công.

Theo tìm hiểu, các ngân hàng hiện nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, coi việc thu xếp vốn cho các NĐT không chỉ là công việc kinh doanh đơn thuần mà đó còn là nhiệm vụ chính trị đối với đất nước. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng có những cái khó riêng …

Lo DN không trả nợ đúng hạn

Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ GTVT mới đây, ông Trần Long – Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng này đang cấp vốn tín dụng cho 43 DA BOT giao thông với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng. Số vay lớn trong khi nhiều DN BOT làm ăn khó khăn nên nhiều DA phải cơ cấu lại nợ, thậm chí nhiều DA thành nợ xấu.

Nguyên nhân một phần do các DA BOT không được tăng phí đúng lộ trình như cam kết trong hợp đồng. Do đó, BIDV còn băn khoăn khi xem xét tài trợ vốn cho các DA PPP cao tốc Bắc – Nam dù đã cấp thư cam kết tín dụng cho các NĐT tham gia đấu thầu 5 DA với tổng số vốn 17.450 tỷ đồng.

Cũng theo ông Long, điều quan trọng lúc này là Bộ GTVT cần sớm xử lý dứt điểm những tồn tại vướng mắc của các DA BOT giao thông đã triển khai để ngân hàng có thể thu hồi nợ và xem xét cho vay các DA mới.

Ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Phó Giám đốc Khối Khách hàng DN (VietinBank) cũng cho biết, VietinBank đã cấp tín dụng lớn cho các DA BOT giao thông, dư nợ đến nay là hơn 52.000 tỷ đồng tại 32 DA.

Theo vị này, VietinBank đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT xem xét xử lý dứt điểm vướng mắc các DA BOT đã đầu tư. Nhà nước cần bổ sung thêm nguồn vốn cho các DA hiện không đạt doanh thu theo phương án tài chính ban đầu và thực hiện cam kết về tăng giá vé theo đúng lộ trình trong hợp đồng. Trên cơ sở đó, Vietinbank mới có thể xem xét tham gia tài trợ vốn vào các DA tiếp theo, trong đó có các DA PPP cao tốc Bắc - Nam.

Được biết, theo quy định, các DA PPP giao thông nếu không tìm được NĐT sau khi kết thúc thời gian mời thầu thì có 2 phương án xử lý là tổ chức đấu thầu lại hoặc chuyển hình thức đầu tư. Tuy nhiên, việc tiếp tục chuyển 5 DA PPP sang đầu tư công được đánh giá là khó khăn. Bởi trước đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội chuyển hết 8 DA PPP cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Quốc hội chỉ đồng ý chuyển 3 trong số 8 DA.

Theo Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy, không nên cứ không có NĐT PPP thì chuyển sang đầu tư công vì nguồn lực Nhà nước có hạn, trong khi suất đầu tư cao tốc lớn. Ngoài ra, bản chất đầu tư PPP thì Nhà nước đã bỏ ra số vốn quá nửa trong các DA. 

Cũng theo vị chuyên gia này, để làm cao tốc theo hình thức PPP, DN vay các tổ chức tín dụng chỉ khoảng 29% nhưng lại không thể làm được, trong khi các ngân hàng cũng muốn cho vay vì họ cũng là đơn vị kinh doanh, bán được hàng thì ai cũng muốn. Điều này chứng tỏ năng lực tài chính của các DN là yếu kém; không thể trách ngân hàng.

“Cái gì nằm ngoài khả năng, chưa với tới được thì không nên cố. Lúc này không làm được thì để khi khác làm. Không thể cứ cái gì không làm được là ỷ lại NSNN, trong khi ngân sách công hạn hẹp và cần đầu tư nhiều hạng mục xã hội khác”- vị chuyên gia nêu ý kiến.

Đọc thêm