Cắt giảm chi phí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho rằng mặt bằng lãi suất vẫn còn cao, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng tiết giảm chi phí, cắt các loại phí để hạ tiếp lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đó ít ngày, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013 - 2017. Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại và thấy một số sai phạm về cho vay tại một số ngân hàng. Theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Nhưng theo Thanh tra Chính phủ, các nhà băng này có tình trạng cho vay tập trung một khách hàng, một dự án thông qua các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định. Họ cũng cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án. Từ những hành vi “lách luật” này, dẫn đến tình trạng có khi một ngân hàng cho vay quá nửa vốn tự có vào một dự án.

Trở lại Hội nghị sơ kết, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết quý II, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2022, mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới tính đến hết tháng 6/2023 đã giảm khoảng 1% mỗi năm so với cuối năm ngoái. Các ngân hàng có các gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5 - 3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Trước báo cáo trên, Thủ tướng chỉ ra vấn đề nằm ở chỗ ngành Ngân hàng rà soát các tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN và người dân, nhất là DN nhỏ và vừa. Và đặc biệt, nhận xét mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn cao, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng có các giải pháp quyết liệt như tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Việc Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ “chặt chẽ” sang “chắc chắn” và tiếp tục chuyển sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” (từ tháng 6/2023), theo Thủ tướng là cần thiết, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chỉ ít ngày sau Hội nghị trên với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2022, một tổ chức đã dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành Ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023, trong đó có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.

Rất nhiều năm qua, cứ “đến hẹn lại lên”, cứ tới kỳ đánh giá, nhiều ngân hàng lại công bố những con số “tốt tươi” với khoản tiền thưởng hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ với một số cán bộ, nhân viên. Nếu tình hình “thuyền lên, nước cũng lên” thì không nói làm gì. Nhưng với tình trạng nhiều DN đang làm ăn khó khăn, thì các tổ chức tín dụng cũng phải có trách nhiệm chia sẻ, chứ không thể dửng dưng “tốt tươi” bất chấp tình hình chung. Chỉ đạo của Thủ tướng rằng ngành Ngân hàng phải cắt giảm chi phí, là hết sức chính xác.

Đọc thêm