Cắt giảm ngay những quy định là rào cản sản xuất, kinh doanh.

(PLVN) - Tại cuộc họp bàn về việc xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, diễn ra hôm qua (2/1), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm chỉ đạo của kế hoạch là cắt giảm ngay những quy định là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn việc phát sinh các quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp.

Cần bộ công cụ bộ cắt giảm cải cách hành chính

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của kế hoạch là cắt giảm ngay những quy định là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn việc phát sinh các quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. 

Với các quy định nằm trong luật, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sửa đổi. Hiện tại chúng ta có 25 vấn đề chồng chéo cần phải xử lý trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chỉ ra mới đây. “Hiện tại chúng ta đang có cách làm ban hành 1 văn bản mới phải hủy bỏ 1 văn bản cũ. Nhưng chính thông tư bây giờ cũng là rào cản rất lớn cho người dân, cho doanh nghiệp”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chúng ta đang nghiên cứu kinh nghiệm cải cách của Vương quốc Anh. Tại Anh đã cải cách thủ tục hành chính từ 72 năm trước và đến bay giờ họ đã đến mức độ ban hành 1 văn bản mới hủy được 3 văn bản cũ. Văn phòng Chính phủ sẽ là cầu nối để Vương quốc Anh hỗ trợ nước ta cải cách. 

Đáng chú ý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, chúng ta cũng rất cần nghiên cứu xây dựng bộ công cụ bộ cắt giảm cải cách hành chính của Chính phủ phù hợp với điều kiện của Việt Nam từ việc tính chi phí tuân thủ đến việc xếp hạng các bộ, ngành.

“Chính bộ công cụ sẽ minh bạch hóa và có thể đánh giá được sự tích cực được của các bộ, ngành, địa phương cải cách thực chất hay không thực chất. Như báo chí thông tin, có bộ đưa lên thế nhưng thực chất không như thế. Rồi ngay cả bộ, ngành có trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn nhưng cũng không ban hành, cứ chần chừ để có thể xuống trực tiếp kiểm tra chuyên ngành”, ông Dũng cho hay.

Liên quan đến người dân sử dụng dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, tính từ khi khai trương đến đến hết ngày 31/12/2019 đã  có 6,9 triệu lượt truy cập, có 247 nghìn bộ hồ sơ đồng bộ trên trạng thái, có 20.300 tài khoản đăng nhập một lần. 

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, hiện tại mới có 8 nhóm dịch vụ công, nếu chúng ta đẩy càng nhanh dịch vụ công khác vào Cổng chắc chắn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp càng nhiều lên bấy nhiêu. “Chúng tôi đã bàn với Bộ Công an, tới đây sẽ đưa rất mạnh việc thu thuế trước bạ, thu tiền phạt những người vi phạm giao thông đường bộ, đặc biệt là đưa được đấu giá biển số xe lên trên này nữa thì tạo tốc độ gia tăng vô cùng nhiều, rồi sẽ đưa dịch vụ công thuế, hải quan lên Cổng”, ông Dũng thông tin.

Tránh tình trạng “cắt cái này mọc cái khác”

Cung cấp thêm thông tin về việc thực hiện kế hoạch, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính,  Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho rằng, hiện nay là thời điểm chín muồi để đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là về công cụ. 

Hiện Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với VNPT xây dựng phần mềm thống kê tất cả các văn bản có liên quan tới hoạt động kinh doanh, kể từ cấp công văn hướng dẫn cho tới luật, nghị quyết của Quốc hội. Việc này cũng phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Cùng với đó, quá trình rà soát cũng sẽ xem xét cả các dự thảo văn bản, do đó các đơn vị của các bộ cũng cần phải vào cuộc tích cực, chặt chẽ, tránh tính trạng “cắt cái này mọc cái khác”.

Cũng theo ông Phan, một hướng khác là khi hướng dẫn các luật, nếu thuộc phạm vi quản lý của một bộ thì chỉ ban hành một nghị định hướng dẫn, tránh tình trạng một luật ban hành hàng chục nghị định, “rất mất thời gian và nguồn lực của Chính phủ”. Cũng tương tự như vậy với các thông tư. Trước mắt trong năm 2020, mục tiêu là xử lý ngay những vấn đề mà VCCI cùng với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đề xuất. Đồng thời, thống kê đầy đủ toàn bộ các văn bản liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho biết ông “đánh giá rất cao sáng kiến triển khai kế hoạch. Điều này vượt qua tất cả các giải pháp cải cách mà chúng ta đang làm và chúng tôi rất kỳ vọng, vì kế hoạch này không dừng lại ở việc cắt giảm thủ tục, điều kiện mà bãi bỏ hẳn quy định, văn bản”.

Đề xuất thêm, ông Hiếu cũng cho rằng, nên hướng tới việc chỉ ban hành một nghị định, một thông tư cho mỗi lĩnh vực, mỗi vấn đề hoặc nhóm lĩnh vực, nhóm vấn đề, nếu không sẽ tiếp tục chồng chéo. Cùng với đó, các quy định về kinh doanh rất rộng, Tổ công tác cần xác định trọng tâm cải cách để tránh tình trạng các bộ sẽ “ưu tiên” đề xuất cắt giảm các nội dung dễ làm nhưng ít có ý nghĩa.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cũng đồng tình với mục tiêu và nguyên tắc bãi bỏ văn bản mà dự thảo kế hoạch đề ra. “Vấn đề không chỉ nằm ở điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính. Thực tế chúng tôi thấy ngay cả biểu mẫu cũng chứa đựng điều kiện kinh doanh. Do đó, cần phải thay đổi tư duy và công cụ quản lý”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, thực tế cho thấy đang có xu hướng các bộ tách ra để ban hành nhiều văn bản thay vì gom lại, “làm cho quy trình trở nên tốn kém và hệ thống pháp luật trở nên phức tạp”. 

Đọc thêm