Cắt giảm vốn đầu tư công với đơn vị giải ngân dưới 60%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các đơn vị giải ngân dưới 60% tính đến ngày 30/9 sẽ bị cắt giảm kế hoạch vốn để điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, động viên các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ bị cắt giảm.
Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ bị cắt giảm.

Theo báo cáo, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

Nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động với nhiều biện pháp hiệu quả nên kết quả giải ngân đạt cao (trên 50%) như: Thái Bình (71%), Hưng Yên (65%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Nam Định (58,01%), Hà Tĩnh (55,49%), Thái Nguyên (51,33%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Văn phòng Quốc hội (52,9%); đặc biệt một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt như Bắc Ninh (55,37%), Bình Phước (52,88%), Tiền Giang (50,90%). Bên cạnh đó vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Đặc biệt một số cơ quan chưa giải ngân.

“Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19” - Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nhấn mạnh.

Tại Công điện này, Bộ KH&ĐT được giao tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được giao từ đầu năm để cương quyết điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ theo quy định tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đối với các Bộ, cơ quan, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công, năm 2019, đặc biệt là năm 2020 thì giải pháp là đến một thời hạn nhất định, dự án không giải ngân thì kiên quyết điều chỉnh để bổ sung cho các đơn vị khác.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2020 đã điều chuyển được lượng vốn lớn khoảng 8 nghìn tỷ (vốn ODA). Sở dĩ điều chỉnh giảm được là do có đơn vị xin điều chỉnh tăng, khi đó mới thực hiện được việc điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Nhưng nếu trong bối cảnh không có đơn vị nào nhận thêm thì chỉ có huỷ kế hoạch, không điều chuyển được.

“Trong bối cảnh năm 2021, đến ngày 30/9, Bộ sẽ có báo cáo tổng thể lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân; Thông báo với các bộ, ngành, địa phương nếu có nhu cầu bổ sung thêm; Sau đó Bộ sẽ tổng hợp trên cơ sở các đơn vị không có nhu cầu, xin giảm kế hoạch hoặc bị giảm kế hoạch, từ đó có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia. Năm nay, việc điều chỉnh này phải báo cáo Thường vụ Quốc hội. Việc điều chuyển này phụ thuộc nhiều vào các đơn vị giải ngân tốt, họ có thể nhận thêm… Điều này phải cân nhắc trong thực tiễn để có sự điều chỉnh hài hòa, kịp thời” - Thứ trưởng Phương phân tích.

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, trong tháng 8/2021, Bộ KH&ĐT đã nhận được đề xuất của một số bộ ngành, địa phương xin giảm kế hoạch, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm