“Cát tặc” tấn công cửa Ba Lạt

Nhiều người dân sinh sống gần khu vực cửa  Ba Lạt (nơi sông Hồng đổ ra biển, thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang rất lo sợ trước tình trạng “cát tặt” hoành hành ở khu vực cửa sông, gây nên tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng  đến diện tích đất canh tác mà còn đe dọa tính mạng của bà con nông dân khi đến mùa mưa lũ.

 Nhiều người dân sinh sống gần khu vực cửa  Ba Lạt (nơi sông Hồng đổ ra biển, thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang rất lo sợ trước tình trạng “cát tặt” hoành hành ở khu vực cửa sông, gây nên tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng  đến diện tích đất canh tác mà còn đe dọa tính mạng của bà con nông dân khi đến mùa mưa lũ.  

Hàng trăm lượt tàu không biển số ngang nhiên hút cát trái phép trên sông rồi bán ngay tại bãi cát ven bờ như thế này.

Cửa Ba Lạt là nơi sông Hồng đổ ra biển, thuộc địa phận  huyện Giao Thủy. Khi chảy đến khu vực này, con sông Hồng uốn khúc nên bên bờ Nam Định là bờ lở, bên Thái Bình là bên bồi. Thiên nhiên đã chọn làm bở lở, nay đến lượt con người cũng không buông tha. Theo người dân cho biết, mỗi ngày có hàng chục tàu hút cát không biển số, loại 70-100 m3,  hút cát trái phép cả ngày lẫn đêm. Tại hiện trường, PV chứng kiến, các tàu hút tự do tung hoành trên sông, kể cả sang phía Nam Định, là bên lở để hút cát trái phép.

 Tại đồn biên phòng Ba Lạt, Thượng tá Trần Xuân Đãi, trưởng đồn cho biết: “Hàng năm chúng tôi đều có biện pháp mạnh xử lý các tàu không số vào hút cát. Từ đầu năm tới nay, đã xử lý 20 trường hợp hút cát trái phép. Việc  phối hợp với công an huyện Giao Thủy vẫn thường xuyên, nhưng  tình hình các tàu hút cát trái phép vẫn diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng tăng lên”.

Khi PV đặt câu hỏi về việc  ngay bờ sông trên địa bàn xã Giao Thiện vẫn công nhiên tồn tại một bãi thu mua cát rất lớn, ông Trịnh Bình Lục, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện,  thừa nhận, điểm kinh doanh cát này không có giấy phép và  là nơi thu gom, trung chuyển cát từ các tàu hút lậu dọc sông. “Nhiều tàu hút cát ở bờ Thái Bình và Nam Định chạy về bán cát tại đây” – ông Lục nói.

Tại UBND huyện Giao Thủy, ông Chủ tịch Nguyễn Văn Đồng khẳng định:  “Vấn nạn tàu hút cát trái phép chúng tôi đã nắm bắt được,  các anh em đã tuyên truyền, vận động bà con. Tuy nhiên, khi tình hình hút cát vẫn diễn ra phức tạp như hiện nay, huyện vừa có chỉ đạo các ngành chức năng phải kiên quyết bắt giữ, xử phạt những tàu không có biển số, không có giấy phép, hút cát không đúng nơi quy định. Chúng tôi làm nghiêm chứ không né tránh điều gì và sẽ ngăn chặn đến cùng".

“Việc  khai thác cát  lậu ở địa bàn này đã có từ trước, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp  với bộ đội biên phòng xử lý các phương tiên không đăng ký, thu hồi phương tiên hút cát. Tuy nhiên, có thể nói trách nhiệm chính trong việc quản lý  và xử phạt là của bộ đội biên phòng đồn Ba Lạt” - ông Trần Luân – Trưởng phòng CSGT Đường thuỷ, Công an tỉnh Nam Định cho biết.

Trước tình trạng cát tặc ngày một lộng hành, Phó chủ tỉnh  UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Khắc Hưng cho biết: “Tỉnh đang chỉ đạo làm nghiêm túc sự việc trên và giao huyện Giao Thủy báo cáo về trữ lượng cát tại cửa sông Ba Lạt. Các cơ quan liên quan phải theo dõi sát sao tinh hình để có phương án bảo vệ đê, kè trong mùa mưa lũ này. Còn việc xử lý  thì cá nhân, công ty nào sai phạm  thì cứ theo quy định của pháp luật mà làm, không nể nang một ai”.

Hy vọng, những tuyên bố mạnh mẽ trên sẽ mang lại hiệu quả trên thực tế.

Trường Lưu

Đọc thêm