Cất trữ xăng dầu để tránh “sốt” giá, khan hàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tăng lượng dự trữ dầu thô, mua gom xăng dầu thành phẩm lúc giá thấp cất kho rồi bơm ra “hạ nhiệt” lúc thị trường lúc biến động… là giải pháp được giới am tường kinh tế năng lượng nói tới nhằm giải quyết tận gốc vấn đề nguồn cung xăng dầu trong nước.
Lọc dầu Dung Quất mỗi năm cần hơn 6 triệu tấn dầu thô để hoạt động.
Lọc dầu Dung Quất mỗi năm cần hơn 6 triệu tấn dầu thô để hoạt động.

Trước biến động tình hình thế giới và dịch bệnh, giá xăng dầu trong nước thời gian qua liên tục tăng cao, đạt những mức kỷ lục mới. Để kìm giá xăng dầu, mới đây Quốc hội đã đồng ý từ ngày 1/4 tới đây sẽ giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, dù quy định này được áp dụng, giá xăng vẫn ở mức rất cao. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục giảm thêm thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu.

Việc giảm thuế, phí là biện pháp mang tính tức thời mà Nhà nước áp dụng, không phải biện pháp có thể áp dụng lâu dài, bền vững. Hơn nữa, việc giảm thuế, phí dẫn đến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng.

Theo một số chuyên gia, dù giá xăng dầu phụ thuộc lớn vào xăng dầu thế giới, nhưng với việc Việt Nam là nước có trữ lượng dầu thô lớn thứ 38 thế giới với khoảng 1,5 tỷ tấn dầu quy đổi đang nằm sâu dưới lòng đất, nếu làm tốt công tác thăm dò, khai thác, dự trữ và sản xuất xăng dầu thì chúng ta có thể chủ động nguồn cung, từ đó kiềm chế được vấn đề xăng tăng giá mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, để chủ động nguồn cung xăng dầu, cần tăng cường việc dự trữ cả dầu thô và xăng dầu thành phẩm.

Cần đầu tư mở rộngmỏ dầu mới

“Cần mở rộng, nâng công suất các nhà máy lọc dầu hiện có, đồng thời tăng cường đầu tư công tác tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu thô trong nước. Nếu không đầu tư, khai thác được thêm các mỏ dầu mới thì việc mở rộng hay xây mới nhà máy lọc hoá dầu cũng trở nên vô nghĩa”,TS.Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Cụ thể, theo ông Thập, để dự trữ dầu thô, cần xây dựng các bồn chứa với trữ lượng đủ lớn, có thể để ở ngoài các đảo hoặc gần các nhà máy lọc dầu. Khi giá dầu xuống thấp, cần dự trữ lại với một nguồn dầu thô đủ lớn, để khi giá dầu thế giới lên cao, nguồn dầu thô này được bán với giá rẻ cho các nhà máy lọc dầu của Nhà nước, từ đó bổ sung xăng giá rẻ ra thị trường. Với xăng dầu thành phẩm cũng vậy, thông qua các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu, cần có kho dự trữ đủ lớn để tích trữ xăng dầu. Khi giá thấp thì mua vào tích trữ, giá cao thì “bơm” ra cứu thị trường. “Nhiều nước trên thế giới đã làm cách này”, ông Thập nói.

Ngoài việc dự trữ, cần mở rộng các nhà máy lọc dầu hiện có. Ông Thập cho rằng, việc xây dựng thêm một nhà máy lọc dầu nữa cũng cần được xem xét tính khả thi, bao gồm tất cả những yếu tố như dầu thô đầu vào, xăng dầu đầu ra và hạ tầng liên quan.

Thêm nhà máy mới hay mở rộng nhà máy cũ?

“Bản thân tôi cho rằng, việc nâng cấp, mở rộng quy mô các nhà máy lọc dầu, các khu công nghiệp hiện đang có sẵn để sản xuất xăng dầu sẽ tốt hơn là việc xây dựng mới”, ông Nguyễn Quốc Thập nói và giải thích, nếu xử lý theo hướng này chúng ta tận dụng và dùng chung được các cơ sở hạ tầng cũ, từ đó tối ưu hoá kinh phí.

Thực tế, nếu xây dựng một nhà máy lọc hoá dầu rất tốn kinh phí, như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tổng mức đầu tư lên đến khoảng 9 tỷ USD.

Về nguồn dầu thô cho nhà máy lọc dầu, theo ông Thập, hiện nay, “bức tranh” về sản lượng dầu thô trong nước chưa khả quan. Hiện, mỗi năm chúng ta chỉ khai thác được khoảng 7 đến trên 10 triệu tấn/năm, trong khi riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay, mỗi năm cần khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô. Như vậy, nếu xây dựng nhà máy lọc dầu mới, chúng ta vẫn phải mua dầu thô từ nước ngoài theo giá thị trường.

Bởi vậy, cần mở rộng, nâng công suất các nhà máy lọc dầu hiện có, đồng thời tăng cường đầu tư công tác tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu thô trong nước. “Nếu không đầu tư, khai thác được thêm các mỏ dầu mới thì việc mở rộng hay xây mới nhà máy lọc hoá dầu cũng trở nên vô nghĩa”, vị chuyên gia nhận định.

Theo ông Phạm Văn Chất – Trưởng Ban Công nghiệp Khí và Lọc hoá dầu (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), hiện nay Việt Nam chưa có các bồn chứa dầu thô dự trữ, chỉ có các bồn chứa dầu của một số nhà máy lọc dầu như ở Dung Quất, Nghi Sơn, trong khi Nghi Sơn là nhà máy do doanh nghiệp nước ngoài làm chủ. “Vấn đề xây dựng bồn chứa dầu thô là vấn đề khó, vì có bồn chứa dự trữ thì phải có nhà máy chế biến, mà hiện nay Việt Nam mới sở hữu một nhà máy là Dung Quất. Hơn nữa, không phải loại dầu thô nào cũng chế biến được ở Nhà máy Dung Quất”, ông Chất nói.

Trước câu hỏi, hiện PVN mỗi năm ngoài cung cấp dầu thô cho Dung Quất vẫn có vài triệu tấn dầu thô xuất khẩu, sao không dùng số này để dự trữ, ông Chất cho rằng, theo thông tin ông nắm được, việc nhập dầu thô vẫn nhập, xuất vẫn xuất vì nó còn liên quan đến các hợp đồng mua bán từ trước, ngoài ra còn liên quan đến chủng loại dầu, vì không phải loại dầu nào Dung Quất cũng sử dụng được.

Ngoài ra việc xuất, nhập dầu thô còn dựa trên bài toán kinh tế, làm sao để hiệu quả nhất. “Nhiều chủ mỏ vẫn phải bán dầu thô, hơn nữa bán ra ngoài thông qua đấu thầu thì mới có cơ sở tham chiếu giá bán cho nội địa”, ông Chất chia sẻ.

Trong khi đó, một lãnh đạo Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho rằng, việc giá xăng dầu tăng hay giảm là điều thường thấy, tác động bởi yếu tố cung - cầu. Hiện nay, do tình hình thế giới phức tạp, xung đột Nga - Ukraina là nguyên nhân chính dẫn đến giá xăng dầu tăng cao. Xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới nên các đơn vị kinh doanh xăng dầu trong nước phải tăng theo. “Đây là vấn đề cung - cầu, tác động từ những nguyên nhân khách quan. Đơn vị kinh doanh xăng dầu không ai giữ giá để chịu bù lỗ”, vị này cho biết.

Đọc thêm