Theo dõi thông tin vụ bé lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón học sinh của trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà cả đêm qua không tài nào chợp mắt. Chị bị ám ảnh về đoạn video em bé được bế ra ngoài trong trạng thái toàn thân cứng đờ. Chị bảo đó là cảm xúc "bàng hoàng" vì con trai chị từng rơi vào hoàn cảnh y như vậy một năm trước, nhưng cậu bé 9 tuổi đã may mắn hơn khi thoát được ra ngoài và đi bộ đúng 9 tiếng để trở về nhà.
Cậu bé Hoàng Sơn và mẹ. |
6h30 ngày 21/5/2018, Hoàng Sơn - cậu con trai út của chị Ngọc Ngà lên xe đưa đón của trường như mọi ngày. Theo lịch trình, Sơn sẽ đến trường, ăn sáng rồi mới bắt đầu giờ học. Tuy nhiên, cậu bé ngủ quên trên băng ghế của xe và bác tài xế đã không hay biết nên chở em về tận đường 32 thị trấn Cầu Diễn. Đó là những ngày cuối năm học nên khi không thấy Sơn đến lớp, cô giáo chủ nhiệm nghĩ rằng gia đình tự ý cho con nghỉ không phép nên cũng chẳng thông báo gì với gia đình. Trong khi đó, vợ chồng chị Ngà cũng "yên chí" vì con vẫn đi học bình thường.
Sơn tỉnh dậy và thấy mình đang ở một nơi xa lạ, ôtô đã tắt máy, khóa cửa và bác tài không còn ở đó. Chị Ngọc Ngà nhớ lại: "Thật may mắn là nhờ cái nóng của ngày hè tháng 5 nên con đã nhanh chóng tỉnh dậy, chứ trời đông lạnh giá thì ở trong xe ấm áp, có khi con ngủ đến chết ngạt mất".
Hoàng Sơn theo đánh giá của mẹ là một cậu bé lanh lẹ nhưng rất lì và ít nói. Sơn từng tham gia một chuyến leo núi cao 3.500m lúc em 8 tuổi và đặc biệt mê các loại xe. Sơn hay quan sát, tìm hiểu về xe cộ, nhờ đó khi xảy ra sự việc, em đã bình tĩnh tìm đường ra ngoài bằng cửa của ghế lái. "Con bảo bao giờ cửa đó cũng ra được khi xe bị khóa. Điều này mẹ cũng không biết luôn", bà mẹ ba con kể.
Hoàng Sơn từng vượt qua thử thách trong điều kiện khắc nghiệt khi tham gia leo núi. |
Cậu bé 9 tuổi ra khỏi xe và bắt đầu hành trình tự tìm đường về trường. Hoàng Sơn không gọi điện về cho bố mẹ vì em nghĩ rằng mình "phải chịu trách nhiệm" cho việc thức khuya nên ngủ quên và khi ấy, em đang bị phạt bởi một số lỗi khác. Sau một hồi mắc kẹt tại bãi gửi xe "như xóm liều, nhà cửa lụp xụp, không có bóng người", cậu bé nhìn thấy một chiếc xe Audi chạy qua nên phán đoán: "Xe sang này sẽ chạy ra đường lớn chứ không rẽ vào xóm nghèo đâu" rồi bắt đầu chạy thục mạng đuổi theo. Và Hoàng Sơn đã đúng.
Ra tới đường lớn, em hỏi mọi người cách đi về trường nhưng không ai biết. Vì thế, cậu bé nhanh trí chuyển hướng hỏi đường đến sân vận động Mỹ Đình vì nghĩ địa điểm nổi tiếng đó chắc sẽ dễ tìm hơn; từ đây em có thể đi bộ về trường.
Trong số những người Hoàng Sơn hỏi đường, một bác đã ngỏ ý chở em ra bến xe buýt để em tự bắt xe về sân vận động Mỹ Đình. Nhưng Sơn ngồi chờ mãi mà không bắt được đúng xe, tức là bác đã đưa em đến nhầm bến. Thế là cậu bé 9 tuổi tiếp tục mò mẫm tìm đường và tìm đến đúng bến lúc 13h. Mệt và đói, em quyết định không đến trường nữa mà chuyển hướng về thẳng nhà. Hoàng Sơn chọn tuyến xe dừng tại IPH Xuân Thủy là địa điểm dễ nhớ và gần nhất để đi về nhà. Em lên xe, trình bày với bác tài để không mất tiền vé và thực hiện được đúng kế hoạch.
Nhà chị Ngà ở cuối đường Phạm Văn Đồng. Quãng đường từ IPH Xuân Thủy về nhà không hề ngắn, đường lại đang thi công bụi bặm, tắc nghẽn khiến cậu bé Sơn càng thấy đói và mệt. Nhớ ra gói kẹo lạc mẹ nhắc luôn đặt trong túi để mang ra chống đói, Sơn có thêm sức lực để tiếp tục hành trình. Vai đeo balo, đầu trần, cậu bé cuốc bộ 4 km giữa trưa hè về đến khu đô thị thì chân tay bủn rủn. Cả chặng đường đi, lúc này em mới đành lân la xin mấy cô chú sale ở vệ đường một chai nước và làm một hơi hết sạch. "Nhìn tội quá nên có một cô đã cho con 10.000 đồng mua bánh mì sau khi biết con lạc đường. Con chạy ra góc đường mua cái bánh, ngấu nghiến ăn và có sức đi thêm hơn 1 km nữa", chị Ngà thuật lại câu chuyện con trai kể khi cậu bé về nhà lúc 15h30.
Sơn ít nói và thích mèo. |
Bây giờ kể lại, chị Ngọc Ngà bảo đó là "một phen hú vía" nhưng khi nhìn thấy con trước cửa, người ướt nhẹp mồ hôi, chị vẫn giữ trạng thái bình tĩnh. Bởi chị chọn rèn luyện con theo cách mà các con chị cho là "ác và nói nhiều". Bản thân chị cũng là người lạc quan, luôn nhìn vào mặt tích cực khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra. Nghe con kể về hành trình của mình, chị thấy vui và khen con vững vàng, thông minh, biết tư duy, phán đoán và bền bỉ nhưng đồng thời cũng phê bình con lần sau không tự ý đi một chặng đường như thế vì có thể xảy ra nhiều hậu quả mà việc đầu tiên cần làm là gọi điện thoại cho bố mẹ.
Hoàng Sơn đi xe buýt của nhà trường từ năm lớp 1 và thường xuyên được dạy về các kỹ năng thoát hiểm, giao tiếp, sinh tồn, phán đoán. Vợ chồng chị Ngà còn đặc biệt hướng con tới các hoạt động rèn luyện thể lực. Bà mẹ Hà Nội bảo, Hoàng Sơn có khả năng chịu lạnh "lên tới mức thượng thừa" vì cả mùa đông không dùng đến quần dài, 9 độ C vẫn mặc như mùa hè, không bao giờ sờ đến áo len, áo phao hay khăn quàng. Sơn cùng hai anh còn thường xuyên bị mẹ "bắt" phải cuốc bộ hay chạy bộ vài cây số, trải qua nhiều thử thách.
Làm gương cho con và lựa chọn phương pháp giáo dục kiểu "mạnh bạo, tự tin", chị Ngọc Ngà bảo đó là cách để các con của chị khi trưởng thành sẽ luôn vững vàng trước bất cứ khó khăn nào, không lùi bước và chẳng sợ chi hết.