Câu chuyện “trầm” đầu năm…

Chuyện đầu năm nhắc đến, thường là những điều vui vẻ và hứa hẹn vào năm tới nhiều thành công, nhưng trong câu chuyện của PV với ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam (Vietcraft) lại toàn thấy “gam mầu trầm”.


Chuyện đầu năm nhắc đến, thường là những điều vui vẻ và hứa hẹn vào năm tới nhiều thành công, nhưng trong câu chuyện của PV với ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam (Vietcraft) lại toàn thấy “gam mầu trầm”.

Ông  Lê Bá Ngọc cho biết, hiện nay ngành TCMN nước ta đang phải đối mặt với 10 khó khăn trong nước. Cụ thể như phí vận tải cao, thiếu công nghiệp phụ trợ, thiếu cơ sở hạ tầng cho thương mại; thiếu nhiên liệu; thiếu lao động; thiếu chuyên gia thiết kế và dịch vụ thiết kế công nghiệp; khó khăn khi tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng cao; kinh nghiệm quản  lý kinh doanh còn hạn chế; chưa hình thành được thương hiệu; nhân lực chưa được sử dụng hiệu quả do chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý và ý thức hợp tác phát triển của doanh nghiệp; môi trường làng nghề ngày càng xuống cấp.

Ngoài 10 khó khăn trên, ngành TCMN cũng đối diện với 5 thách thức khi hội nhập, là việc xuất hiện nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia với giá rẻ, đem lại sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt; chu kỳ sống của sản phẩm (SP) ngắn đòi hỏi phải đổi mới và phát triển SP nhiều hơn; kênh phân phối ngày càng ngắn hơn, yêu cầu doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hơn; Sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc ngày càng gay gắt và Ấn Độ đang là một cường quốc mới nổi về lĩnh vực sản xuất (SX) hàng TCMN; SX và kinh doanh bền vững ngày càng khó khăn hơn.  

- Thưa ông, với những khó khăn và thách thức như trên, đâu là hướng đi của ngành trong thời gian sắp tới?

- Trong các năm từ 2011-2015, Vietcraft cũng đã đưa ra các chương trình hoạt động cụ thể, như trong năm 2011 sẽ thành lập một Trung tâm thiết kế SP TCMN. Thay vì SX các SP rẻ tiền, chúng ta có thể gia tăng giá trị dựa trên sự khác biệt của SP Việt Nam. Trung tâm thiết kế đó sẽ được xây dựng ở cả phía Bắc và phía Nam, được vận hành vào quý 2/2011. Bên cạnh đó, Vietcraft cũng đang đề xuất với các cơ quan ban ngành thành lập “P20”- xây dựng 20 doanh nghiệp tiên phong, đại diện cho ngành TCMN Việt Nam...

 - Bài toán nhân lực cho làng nghề đang trở thành vấn đề khó khăn với các địa phương, Hiệp hội có cách gì hỗ trợ không?


- Đúng là hiện nay vấn đề nhân lực cho làng nghề đang trở nên rất bức xúc. Cụ thể như làng nghề ở Ngọc Động – Hà Nam, gần 60% lao động bỏ nghề. Để ứng phó với vấn đề nhân lực thiếu ở các làng nghề, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký chương trình phát triển 1 triệu lao động mỗi năm cho khu vực nông thôn. Đây là cơ hội tốt cho việc phát triển nhân lực làng nghề. Tuy nhiên cái khó hiện nay là chính sách tốt nhưng tổ chức thực hiện ra sao?

Theo một chương trình khảo sát, có tới 60% các cơ sở, sau khi đào tạo nhân lực xong, không duy trì được nguồn nhân lực đã được đào tạo. Đó là một lỗ hổng và thiếu liên kết với các doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lại thiếu trách nhiệm xã hội, trả lương quá thấp khiến cho người lao động không thể làm việc được. Hiệp hội đã tính toán và xin phép các cơ quan chức năng sẽ thành lập cơ sở đào tạo cho hội viên, từng bước đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. 

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Anh (thực hiện)

Đọc thêm