Câu chuyện về 2 thành phố lớn nhất của Việt Nam

(PLO) - Đây là tiêu đề bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat của Nhật Bản số ra ngày 24/10/2014. Bài viết này làm rõ nhận định TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội là biểu hiện của một cuộc đấu tranh sâu rộng hơn giữa văn hóa truyền thống và hiện đại tại Việt Nam.
Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh trước năm 1975 và nay.
Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh trước năm 1975 và nay.
Ấn tượng ban đầu
Lần đầu tiên đến TP.Hồ Chí Minh, Lê Thuận Uyên đã muốn chuyển tới đây sinh sống. Đối với nữ giám đốc nghệ thuật được đào tạo tại Anh này, TP.Hồ Chí Minh hứa hẹn là một điểm đến thay thế dễ dàng hơn so với cuộc sống ở Thủ đô. “Tất cả mọi thứ đều có cấu trúc chứ không hỗn loạn. Tôi không phải lo lắng quá nhiều về chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, vì đã gắn bó sâu sắc với quang cảnh nghệ thuật tại Hà Nội nên tôi vẫn quyết định ở lại Thủ đô”, Uyên cho hay. 
TP.Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại của Việt Nam từ những năm 1800, khi cảng biển do người Pháp xây dựng tại đây đã biến thành phố này trở thành một trung tâm giao thương của khu vực. Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ và môi trường thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài của thành phố đã khiến nhiều người tin rằng đây là câu chuyện về sự thành công của Việt Nam. Một bài viết đăng tải trên tờ Bloomberg gần đây cho rằng, TP.Hồ Chí Minh đã giành lại ưu thế về tăng trưởng kinh tế so với Hà Nội.
Tuy nhiên, nhiều người ở miền Bắc Việt Nam lại lập luận rằng thành phố ngàn năm tuổi, nơi các chuỗi cửa hàng ăn nhanh và bán lẻ đang chầm chậm xâm nhập và cũng là nơi đặt các cơ quan của chính phủ, có linh hồn độc nhất có thể thúc đẩy sự sáng tạo. 
“Tôi nhận thấy Hà Nội thủ công hơn. Bạn có thể duy trì một mô hình kinh doanh bằng cách phát triển một sản phẩm địa phương theo cách của mình thay vì bán nó cho các thương hiệu công nghiệp. Bạn có thể nhìn nhận sự vắng mặt của các chuỗi thương hiệu phương Tây là sự bảo thủ và thụt lùi, hoặc cũng có thể nhìn nhận theo một cách thức tích cực hơn: Chúng ta có café ngon hơn. Vậy tại sao chúng ta lại cần đến một số thương hiệu nước ngoài có chất lượng thấp nhưng lại có mức giá cao hơn gấp 3 lần”, ông Dan Dockery, đồng sở hữu chuỗi quán bar CAMA và nhà hàng Highway 4 cho biết. 
Với thế giới bên ngoài, sự khác biệt giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có thể xem là sự phản ánh căng thẳng về mặt cấu trúc giữa Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản. Song, trên thực tế, câu chuyện về 2 thành phố này, giống như những khác biệt lâu đời giữa Bắc Kinh và Thượng Hải, hay Kyoto và Tokyo có liên quan nhiều đến lịch sử và văn hóa hơn là ý thức hệ.
Người Hà Nội không bác bỏ sự thành công về mặt kinh tế của TP.Hồ Chí Minh. Vấn đề mà họ quan tâm là thành công đó có cần thiết hay đáng ao ước không hay đó là hình thức để khiến thành phố thu hút. “TP.Hồ Chí Minh có cảm giác hơi giống Bangkok. Đó không phải là Việt Nam thực thụ”, bà Bùi Minh Nguyệt, một người có nhiều thế hệ trong gia đình sống ở Hà Nội nói.
Một cửa hiệu ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh.

Một cửa hiệu ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh. 

Đâu là sự khác biệt
Người Hà Nội “thực thụ” có sự tự hào mãnh liệt về văn hóa lịch sử lâu đời của thành phố. Hà Nội đã giữ vai trò “Thủ đô văn hóa” của Việt Nam kể từ thế kỷ 11, khi những người nuôi mộng quan lại lần đầu quy tụ học tập tại Văn Miếu. Hiện nay, cộng đồng sáng tạo của thành phố đang phát triển một cách nhanh chóng, đặc biệt là trên lĩnh vực nghệ thuật. Giải thích lý do tại sao lại quyết định ở lại Hà Nội, Uyên nói với tôi: “Năng lượng sáng tạo ở Hà Nội mãnh liệt hơn”. 
TP.Hồ Chí Minh cũng có một nền nghệ thuật phát triển, những buổi trình diễn được đánh bóng và các nghệ sĩ theo định hướng thị trường - tương phản mạnh với sự sáng tạo thiên về thực tế của Hà Nội. 
Anh Mathias Rossignol, đồng sở hữu quán café và không gian nghệ thuật Hầm Hành ở Hà Nội nhận định: “Hầu hết người Hà Nội sẽ thừa nhận rằng cuộc sống ở TP.Hồ Chí Minh có lẽ sẽ thoải mái hơn với mức lương cao và giá cả lại thấp hơn. Tuy nhiên, họ sống ở Hà Nội vì linh hồn của nơi đây vì họ lựa chọn đặt tinh thần và ý nghĩa lên trên sự tiện nghi về vật chất”. 
Còn đồng sáng lập Onion Cellar Trần Hùng nói rằng: “Với hầu hết người Việt Nam, sự khác biệt giữa 2 thành phố là rất rõ ràng: Sài Gòn thiên về thương mại. Hà Nội thiên về sáng tạo”. 
Sự phân biệt thẳng thắn của anh Hùng nhấn mạnh niềm tin của người Hà Nội rằng sự thành công về thương mại và sáng tạo luôn xung khắc nhau, có tính loại trừ lẫn nhau. 
Nghệ thuật đường phố ở Hà Nội.

Nghệ thuật đường phố ở Hà Nội. 

Lấp khoảng cách tư duy
Khoảng cách giữa những thành tựu sáng tạo của Hà Nội và thành công thương mại của TP.Hồ Chí Minh thể hiện ở tất cả các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Hầu hết các bộ phim của Việt Nam đã được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế đều được sản xuất tại Hà Nội, ví dụ như “Đập cánh giữa không trung” - bộ phim đã giành giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Venice hồi tháng 9 vừa qua, hay như “Bi, đừng sợ” giành được các giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes và Stockholm năm 2010. Song, các rạp chiếu phim trong nước lại vẫn đang do các bộ phim hành động kiểu Hollywood hay các bộ phim hài lãng mạn được sản xuất tại TP.Hồ Chí Minh thống trị. 
Ông Herman cho rằng, điều mà lĩnh vực phim tại Việt Nam thực sự cần là một “vị trí ở giữa”, có thể kết hợp khát vọng nghệ thuật của Hà Nội với sự nhạy bén về mặt thương mại của phía Nam, điều mà thực ra toàn bộ ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng đang cần. 
Thực ra, tại Hà Nội hiện nay, số người cải cách theo xu hướng kết hợp sáng tạo và truyền thống với bí quyết thương mại đang tăng lên đáng kể như nhà thiết kế Vũ Thảo - người vừa giành giải thưởng Doanh nhân trẻ sáng tạo của Hội đồng Anh hồi tháng trước. Các thiết kế của cô mang nhãn hiệu Kilomet 109 được lấy cảm hứng từ những bộ quần áo thủ công đầy màu sắc của những người dân tộc thiểu số ở những ngôi làng nông thôn ở phía Bắc.
Thành công của Zone 9 - một không gian sáng tạo được xây dựng tại một khu nhà cũ, hiện đã bị phá bỏ sau 1 vụ hỏa hoạn - đã cho thấy thành công của một thành phố không chỉ được xác định bởi những tòa nhà cao chọc trời và các khoản đầu tư nước ngoài, mà còn nằm ở sự sáng tạo vào nghệ thuật.