Theo Yahoo news, trong một giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) có 32 đội đến từ 32 nước khác nhau. Họ nói khoảng 18-20 thứ tiếng khác nhau. Thêm vào đó, trên sân còn có một nhóm nữa là các trọng tài - những người đến từ các nước hoàn toàn khác hai đội trên sân.
Vậy, làm thế nào mà hai đội nói hai thứ tiếng khác nhau và trọng tài - có thể là người nói một ngôn ngữ thứ ba khác với thứ tiếng mà 2 đội bóng thi đấu sử dụng - lại có thể giao tiếp với nhau khi họ ra sân?
Trên thực tế, luật chơi trong các trận đấu bóng đá được thiết kế sao cho trọng tài có thể thực hiện công việc của mình chỉ đơn thuần bằng cách ra hiệu mà không cần nói. Ngay cả thẻ đỏ và thẻ vàng cũng được sáng chế như một phương tiện để phá vỡ rào cản ngôn ngữ trong bóng đá quốc tế.
Hiện nay, cơ quan quản lý bóng đá quốc tế FIFA quy định 4 ngôn ngữ chính thức trong các trận đấu do cơ quan này tổ chức, bao gồm tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, việc các trọng tài và cầu thủ nói cả 4 thứ tiếng đó với nhau trong một trận đấu là điều khó xảy ra.
Thay vào đó, tiếng Anh – thứ tiếng có thể coi là sát nhất với khái niệm một ngôn ngữ quốc tế - trở thành ngôn ngữ mặc định trong các trận đấu. Và như vậy, các trọng tài bóng đá làm việc cho FIFA và Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA – mặc định sử dụng tiếng Anh khi ra sân làm nhiệm vụ dù họ vẫn có thể nói một số ngôn ngữ khác.