Ngoài lịch sử hấp dẫn, bang Uri, Thụy Sĩ còn sở hữu cảnh đẹp mê hồn với các ngọn núi phủ tuyết trắng xóa và những chiếc hồ trong xanh, phẳng lặng nằm trên núi cao. Một trong những địa danh nổi tiếng nhất ở Uri chính là cầu Teufelsbrücke (Cầu của quỷ), nằm trong hẻm núi Schöllenen. Đây là tuyến đường quan trọng để tới đèo St Gotthard Pass và bắc qua sông Reuss hung dữ.
Cư dân ở bang Uri tin vùng đất này có sự tồn tại của ma quỷ và một vài du khách thậm chí đã làm phiền tới chúng. Tuy nhiên, nhiều người cho đây chỉ là một suy nghĩ vô căn cứ.
Theo truyền thuyết, người dân địa phương rất muốn xây dựng một cây cầu bắc qua đây nhưng địa hình nguy hiểm khiến việc đó không thể thực hiện. Do đó một người dân đã cầu cứu trong tuyệt vọng tới loài quỷ.
Bất ngờ, ma quỷ đã xuất hiện và thực hiện ý nguyện của loài người, với điều kiện linh hồn của người đầu tiên đi qua cầu phải được hiến tế. Người dân bèn đồng ý và cây cầu được hoàn thành một cách kỳ lạ.
Tuy nhiên, đến khi thực hiện lời hứa với ma quỷ, người dân đã cố tình lừa chúng khi cho một chú dê đi qua cầu. Do đó, thay vì bắt được linh hồn của con người, chúng chỉ có trong tay linh hồn của một chú dê. Quá tức giận, loài quỷ liền nhặt một hòn đá lớn để đập vỡ cây cầu.
Trong lúc định hành động, chúng nhìn thấy một bà lão với cây thánh giá trên tay khiến chúng sợ hãi liền bỏ chạy. Nhờ đó, cây cầu vẫn tồn tại và người dân có thể đi lại dễ dàng.
Do địa hình hiểm trở mà ngày xưa người dân đã rất khó khăn để có thể xây dựng được cầu Teufelsbrücke. Ảnh: Happytrips. |
Về mặt kỹ thuật, cầu của quỷ từng được làm 3 lần. Cây cầu đầu tiên xây dựng vào năm 1230 và bằng gỗ. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt nên câu cầu thường bị xuống cấp và người dân phải gia cố liên tục. Sau đó, cầu gỗ được thay thế bằng cầu đá vòm cho chắc chắn và đảm bảo an toàn cho người đi lại vào thế kỷ 16.
Năm 1799, cầu là nhân chứng cho một trận đánh khốc liệt trong chiến tranh Napoleon và bị hư hỏng nặng. Năm 1888, nó bị phá hủy hoàn toàn do một trận mưa bão. Cầu được xây dựng lại nhưng cũng không chịu được lưu lượng người qua quá lớn. Người dân địa phương tin rằng, cuối cùng cây cầu vẫn không thể sử dụng do mắc phải lời nguyền của ma quỷ.
Sau cùng, chính phủ Thụy Sĩ quyết định cho xây một cây cầu mới, bằng bê tông với hai làn đường để người dân có thể qua lại dễ dàng vào năm 1958. Cây cầu quỷ xây vẫn còn đó, nhưng ngày nay không có ai sử dụng để đi lại nữa.
Năm 1994, chính phủ Thụy Sĩ phát hành đồng xu in hình cách điệu quỷ dữ đang mang đá đến đập cầu. Ngày nay, tảng đá nặng 220 tấn được cho là "vật chứng" quỷ định dùng để đập cầu vẫn còn đó. Tuy nhiên, nó đã được di dời ra xa 127 m để phục vụ cho việc xây dựng đường hầm Gotthard mới.
Tại khu vực núi đá này, du khách thỉnh thoảng sẽ thấy bóng dáng của quân đội Thụy Sĩ xuất hiện để luyện tập hoặc làm nhiệm vụ.
Toàn cảnh cầu mới, cầu quỷ xây cũ và đường dành cho xe lửa ở bang Uri. Ảnh: Ritebook. |
Cầu của quỷ chạy dọc qua hẻm Schöllenen, nằm ở bang Uri của Thụy Sĩ, gần thị trấn Göschenen về phía bắc và Andermatt về phía nam. Hẻm Schöllene chạy dài 5km theo chiều dài của sông Reuss.
Bang Uri còn có tên gọi là "linh hồn của Thụy Sĩ", là một trong 26 bang của Liên bang Thụy Sĩ. Bang nằm ở miền trung của đất nước, lãnh thổ bao gồm các thung lũng của sông Reuss, giữa hồ Lucerne và St. Gotthard Pass.Thụy Sĩ - Đức là ngôn ngữ chính được sử dụng ở đây. Uri cũng là bang duy nhất mà trẻ con tới trường phải học tiếng Italy là ngoại ngữ đầu tiên. Tuy nhiên vào năm 2005, 2006 chính phủ đã thay đổi và chọn tiếng Anh là ngoại ngữ cần học, như hầu hết các bang khác. Huyền thoại William Tell được cho là tới từ Uri.
Ngoài cầu của quỷ dữ, khi đến Thụy Sĩ du khách có thể tới thăm quan 10 địa điểm nổi tiếng khác như Zurich, Geneva, Lucerne, Interlaken, Lausanne, Basel, Zermatt, Engadin St. Moritz, Bern, Ticino.