Nhằm bảo vệ và đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và vì những lợi ích tốt nhất của trẻ em, Thông tư 09/2017 đã có nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể, theo Thông tư 09/2017, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, báo chí phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật: đối với trẻ em dưới bảy tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; đối với trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; khi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh họa trên xuất bản phẩm cũng phải tuân thủ điều kiện này.
Bên cạnh việc bảo vệ và đảm bảo quyền bất khả xâm phạm của trẻ em về đời sống riêng tư, Thông tư 9/2017 còn yêu cầu, tùy tôn chỉ mục đích, tùy loại hình báo chí mà báo chí phải có thời lượng phát sóng, đăng tin liên quan đến trẻ em theo quy định cho phù hợp.
Cụ thể, tỉ lệ phát sóng chương trình thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải đạt 2%-5% tổng thời lượng phát sóng của kênh chương trình trong một tuần. Đối với báo in, báo điện tử, hàng tuần phải đăng tối thiểu 5% số lượng tin, bài có nội dung dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phù hợp với tôn chỉ, mục đích. Đáng chú ý, nội dung thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải ưu tiên đăng tải ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết đối với trẻ em.
Thông tư quy định các nội dung được ưu tiên sản xuất, đăng, phát sóng, xuất bản dành cho trẻ em bao gồm: việc thực hiện pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng. Đặc biệt là các nội dung về phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em và hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng an toàn cho trẻ em…
“Các nhà báo cần phải có kiến thức và hiểu biết trẻ em về Công ước quốc tế, về hệ thống luật pháp, đặc biệt là Luật Trẻ em. Các nhà báo cần có kỹ năng tác nghiệp và cách tạo ra những sản phẩm báo chí đúng với luật pháp, với chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đã được Hội Nhà báo ban hành” – PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí tuyên truyền .
“Luật Trẻ em cũng quy định phải bảo mật thông tin đối với trẻ em, trừ trường hợp mục đích bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, không phải vì mục đích bảo vệ trẻ em mà được quyền thông tin rộng rãi. Do đó, khi đưa thông tin về trẻ em thì các nhà báo phải thận trọng, cân nhắc kỹ nếu thông tin đó mang bí mật, đời tư của các em. Với các bậc phụ huynh, cũng phải am hiểu pháp luật vì sẽ có những hành vi vô tình có thể là hành vi xâm hại trẻ em. Hành vi xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, kể cả trong thế giới thực và thế giới ảo, do đó các bậc phụ huynh sinh con và nuôi con đều phải học” – ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em.
“Có nhiều bài báo viết về trẻ em rơi vào cảnh bị bạo hành, bị xâm hại tình dục… dù ẩn tên nhưng lại khai thác rất kỹ về họ hàng, gia đình, địa chỉ, trường học của em. Hoặc có nhiều tác giả lại không làm mờ mặt nạn nhân, thậm chí công khai cụ thể tên tuổi nạn nhân… làm ảnh hưởng tới đời tư, tổn hại đời sống tinh thần và tương lai các em đó. Theo tôi, cần phải có quy định về tên nạn nhân là trẻ em giống như các nước tiên tiến để không lộ danh tính” – nhà báo Hồ Bất Khuất.