Đưa hình trẻ em lên báo - Phải tuân thủ yêu cầu gì?

(PLO) - Thông tư 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017)  quy định chi tiết khoản 2 Điều 46 Luật trẻ em về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng phát thanh truyền hình, ấn phẩm phù hợp với trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đăng hình trẻ em là nạn nhân: phải làm mờ hoặc che mặt

Tại Điều 15 Thông tư 09/2017/TT-BTTTT nêu rõ, đối với báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. 

Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; Đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.

Đối với xuất bản phẩm, khi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh họa trên xuất bản phẩm: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; Đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.

Phải cảnh báo khi có nội dung không phù hợp với trẻ em

Điều 16 Thông tư này cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp với từng loại hình báo chí, xuất bản phẩm, bao gồm nhưng không giới hạn: âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng.

Đối với phát thanh, truyền hình, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo. Đối với báo in, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay sát phía trên hoặc sát phía dưới tên tin, bài hoặc ngay tại vị trí đăng tin, bài. Đối với báo điện tử, nội dung cảnh báo phải được hiện lên ngay sau khi độc giả ấn chọn tin, bài và trước khi độc giả đọc được toàn bộ nội dung tin, bài.

 Nội dung cảnh báo trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo sau đây: “Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem”, “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem”, “Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem”, “Nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Đặc biệt, đối với xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4.

Đọc thêm