Cha mẹ hiện đại - Chọn ở gần hay chung sống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chúng ta thường có câu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Từ nhiều đời nay trong quan niệm Á Đông nói chung và văn hóa truyền thống của người Việt Nam nói riêng, bố mẹ khi về già thường sống chung với con cháu. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đầy hối hả, khoảng cách thế hệ, việc ở chung với bố mẹ hay ở riêng là băn khoăn của không ít người.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mòn mỏi chờ bố mẹ chồng đồng ý

Chị Tú Lệ, 34 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) suốt vài tháng nay gầy sọp vì suy nghĩ việc gia đình. Chị Lệ lập gia đình cách đây 2 năm. Điều khiến chị đau đầu là việc nên ở riêng hay vẫn chung sống với bố mẹ chồng.

Bố mẹ chồng chị là bác sĩ sản khoa mới về hưu. Bố mẹ chồng chị rất kỹ tính. Nhà luôn phải sạch và gọn gàng. Một sợi tóc vương ở sàn, ngay lập tức, mẹ chồng chị tỏ ra khó chịu, tay dọn, miệng cằn nhằn. Vợ chồng chị làm ở tập đoàn nước ngoài, tuy lương cao nhưng rất áp lực công việc. Vợ chồng chị đi làm từ sáng tới tối muộn mới về.

Không có thời gian thu xếp việc nhà, ngay từ khi về nhà chồng, chị đã xin phép được thuê giúp việc. Chị Lệ sẽ lo trả tiền giúp việc và tất cả sinh hoạt phí trong nhà. Nhưng rồi, đề xuất của chị Lệ bị bố mẹ chồng gạt ngay đi. Bởi, ông bà không thích có người lạ trong nhà. Ông bà yêu cầu chị phải làm tròn nghĩa vụ với gia đình chồng, hoàn thành các công việc nội trợ.

Sáng 5 giờ, chị phải dậy sớm đi chợ, nấu cơm trưa để sẵn trong tủ lạnh cho bố mẹ chồng. 7 rưỡi, chị vội vã đi làm. 19 giờ 30, chị Lệ về nhà, mỏi rời rã nhưng không được nghỉ. Sau khi nấu cơm, cả gia đình ăn, chị rửa bát, dọn dẹp, lau chùi từ tầng 1 lên tầng 4, giặt giũ, phơi quần áo… Chị hoàn thành các công việc đó khi kim đồng hồ chỉ 23 giờ. Chị Lệ còn xử lý công việc tập đoàn đến 1 giờ sáng hôm sau mới được đi ngủ. Ngày nào, chị Lệ cũng chỉ ngủ được 4 giờ đồng hồ.

Có không ít lần, chị Lệ họp gia đình bàn việc, bố mẹ chồng về hưu giúp mình công việc nhà hoặc chồng giúp nhưng rồi chỉ nhận được lắc đầu: “Bố mẹ già rồi, giờ nghỉ hưu an dưỡng. Nuôi chồng con vất vả trưởng thành, giờ mỗi việc cơm nước cỏn con mà con bắt bố mẹ động chân, động tay à? Chồng con là đàn ông, làm việc lớn nên không làm việc nhà đâu. Bố mẹ có lương hưu cũng đóng tiền phí sinh hoạt, không bắt các con nuôi nên con tự thu xếp việc nhà”.

Chị Lệ ức đến nghẹn cổ. Chị bàn với chồng xin ra ở riêng. Chồng chị nói: “Nếu ở riêng thì bố mẹ anh từ anh vì nghĩ anh bỏ rơi họ khi về già”. Suốt 2 năm, chị như hụt sức vì chịu đựng sống cùng bố mẹ chồng khó tính cùng vòng quay công việc đầy áp lực. Nếu ra ở riêng, có thể chồng chị bị bố mẹ từ hoặc chỉ một mình chị xách va li đi. Chính điều này làm chị trì hoãn việc có con và mòn mỏi chờ sự đồng ý của bố mẹ chồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mô hình mới: Gia đình sống gần kề nhưng không ở chung

Khác với vợ chồng chị Lệ, vợ chồng chị Hòa (30 tuổi, Gia Lâm Hà Nội) ra ở riêng lại được sự ủng hộ của bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng chị Hòa hiểu được khoảng cách thế hệ cùng sự áp lực công việc của các con cũng như để các con tự chủ cuộc sống của mình. Bố mẹ không có điều kiện cho tiền mua nhà nên vợ chồng chị Hòa thuê căn nhà nhỏ gần bố mẹ.

Cứ rảnh lúc nào, anh chị lại chạy sang thăm bố mẹ. Ở riêng, anh chị có thời gian tự do, có không gian riêng, thoải mái hoạch định kế hoạch gia đình, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Chị Hòa đang mang thai, dự định khi có con, chị thuê giúp việc rồi nhờ ông bà ngó ngàng giúp.

Theo số liệu điều của Viện Dân số Sức khỏe và Phát triển thực hiện vào năm 2020 với hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước, có 19% sống riêng hai vợ chồng, hơn một nửa sống một mình và có con cái cùng xã, phường. Đây được xem như một mô hình mới: Gia đình sống gần kề nhưng không ở chung. Nhờ đó, các thành viên vẫn có thể chăm sóc nhau mà không ảnh hưởng đến không gian cá nhân.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện TP HCM phân tích trên truyền thông, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển cấu trúc gia đình của người Việt nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là khoảng cách thế hệ trong suy nghĩ, lối sống hay quan điểm ứng xử.

Mặt khác, người già ở tuổi 50, 60 còn rất khỏe, trẻ, có thu nhập chủ động, thụ động từ lương hưu hay đi làm thêm… Chính sự chủ động về kinh tế đó, cộng với đang còn hội nhập trong xã hội, nên họ muốn có không gian tự do. Trong khi đó, con cháu họ có thể ở nước ngoài hay tỉnh khác, thường xuyên đi công tác nên chuyện ở chung để chăm sóc cha mẹ già như ngày xưa là không thể.

Những mâu thuẫn trong mối quan hệ với con cái khi sống chung có thể ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của người cao tuổi. Với những người ở riêng, họ tạo ra không gian riêng cho mình và tôn trọng không gian riêng của con. Suy nghĩ phải trông nhà, trông cháu cho con cũng không còn phù hợp với người già hiện nay.

Vì vậy, những năm gần đây xã hội ghi nhận sự dịch chuyển xu hướng sống mới của người già. Tuổi xế chiều khi đã lo lắng xong xuôi việc học hành, dựng vợ, gả chồng cho con cái thì họ đã chọn cách sống cho riêng mình, không ở cùng con cái.

Tại một cuộc điều tra trên 9.300 hộ gia đình trải đều các khu vực của cả nước cho thấy tỷ lệ ý kiến của người cao tuổi về việc sống riêng hoặc sống chung với con cháu là khá tương đương. Cụ thể, có 51,5% ý kiến cho rằng người cao tuổi nên sống chung với con cháu. 46,5% ý kiến lựa chọn sống riêng và 2% cho rằng khó trả lời.

Tuy nhiên, tuỳ theo giới tính, có sự khác biệt đáng kể trong quan điểm của những người cao tuổi. Những người đàn ông dù tuổi đã cao vẫn tỏ ra độc lập tự chủ hơn nên chỉ có 46,8% cho rằng nên ở chung với con. Ngược lại có tới 56,2% những người cao tuổi là nữ muốn được ở chung với con cái. Tuổi càng cao, quan điểm cần nương tựa vào con cái cũng tăng lên. Với những người từ 61 - 80 tuổi chỉ có 50% muốn sống chung thì ở những người trên 81 tuổi con số này đã tăng lên 62,8%.

Tại nông thôn, nơi còn lưu giữ những nếp sống truyền thống, tỷ lệ người cao tuổi muốn ở cùng con cháu là 53,4%, có 45% muốn sống riêng. Tiến ra thành thị, ngược lại, chỉ còn 46,9% muốn được ở chung với con cháu, hơn một nửa (50,4%) muốn được sống độc lập… Điều đặc biệt là ở những người mức sống thấp, họ càng muốn được ở cùng với con cháu. Với những người đang có mức sống nghèo, có đến 57,5% có nguyện vọng này. Tuy nhiên, ở những người có mức sống giàu, tỷ lệ này chỉ còn là 48,5%.

Bà Ngô Thị Mai, 65 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy thoải mái khi ở riêng. Trước khi con trai lấy vợ, bà Mai nghĩ tới việc sống riêng. Bà đang ở căn hộ tập thể, bà bàn con trai nếu muốn gần mẹ thì thuê nhà gần mẹ. Mới lấy nhau, kinh tế không có, bà hỗ trợ con một phần tiền thuê nhà. Là một chuyên gia tâm lý, bà rất hiểu những tích cực và hạn chế khi “tam đại đồng đường” sống chung một nhà.

Theo bà Mai, sống chung “tam đại đồng đường”, nếu hòa hợp tính cách, biết dành thời gian, nhường nhịn, chăm sóc nhau là điều hạnh phúc. Nhưng cuộc sống vốn phức tạp, rất khó để duy trì cuộc sống này, nhất là đối với giới trẻ, tư duy và nhìn nhận khác nhau. Bà chủ động sống riêng để có thể tự sắp xếp cuộc sống bản thân.

Sáng 6 giờ bà Mai dậy, đi tập thể dục hội phụ nữ phường. Tập xong, bà tranh thủ ăn sáng và đi chợ, mua món mình thích cũng như hợp với sức khỏe người cao niên. Ăn cơm xong, bà nghỉ trưa. Chiều bà đọc sách hoặc đi bộ thư giãn. Sau khi ăn tối, bà sang chơi với gia đình con trai hoặc ngồi xem ti vi. Nếu các con cần bà trợ giúp chăm cháu, bà cũng dành thời gian sang chăm rồi về nhà nghỉ ngơi. Có điều kiện, bà Mai đăng ký đi du lịch ngắn ngày cùng nhóm bạn của mình.

Bà Mai tính tới việc sau này, sức khỏe yếu, với tiền tiết kiệm và tiền lương đủ để bà vào viện dưỡng lão để được các điều dưỡng, nhân viên chăm sóc. Ở đó, bà sẽ có bạn đồng niên chuyện trò, giao lưu, chia sẻ. Căn nhà tập thể, bà để lại cho gia đình con trai. Các con, cháu đến thăm bà ngày cuối tuần...

Ngày nay, trong một xã hội hội nhập sâu rộng, con cái không phải lúc nào cũng có điều kiện ở gần cha mẹ. Đương nhiên, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Tùy vào điều kiện kinh tế, gia cảnh, mỗi người có một lựa chọn phù hợp cho riêng mình. Nhưng dù ở xa hay gần, chung hay riêng, chỉ cần quan tâm, chăm sóc, hiếu kính với cha mẹ thì các con vẫn mang lại niềm tự hào, niềm vui cho cha mẹ ở tuổi xế chiều.

Đọc thêm