Thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề về “Kết quả CCL, cổ phần DNNN năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác CCL, CPH DNNN trong giai đoạn tới” do Bộ Tài chính tổ chức sáng qua (28/3), cho biết, tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CCL.
Về CPH, trong năm 2018, đã có 23 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Năm 2018 đã có 28 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng. Theo nhận định của Bộ Tài chính, tiến độ triển khai CPH trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng DN phải thực hiện CPH lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Năm 2018, các DN đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 54 DN theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của TTCP với giá trị 1.707 tỷ đồng, thu về 3.327 tỷ đồng; Thoái vốn nhà nước tại 03 DN không thuộc danh sách tại Quyết định 1232/QĐ-TTg với giá trị 334 tỷ đồng, thu về 404 tỷ đồng; Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.598 tỷ đồng, thu về 15.887 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 78 DN thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg với giá trị 3.790 tỷ đồng, thu về 7.107 tỷ đồng; Thoái vốn nhà nước tại các DN ngoài Quyết định 1232/QĐ-TTg là 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco); Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 14.488 tỷ đồng, thu về 48.456 tỷ đồng.
”Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều DN phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện...”- ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho hay.
Đại diện Bộ Tài chính cũng tỏ ra lo ngại việc chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu CCL DNNN giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tái CCL, sắp xếp, đổi mới CPH và thoái vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước, các DN đã thoái vốn hoặc không thoái vốn đúng tiến độ thì sẽ phải chuyển giao về SCIC trước ngày 31/3/2019.
Bộ Tài chính “bác” kiến nghị chậm thoái vốn của PVN
Trước kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 với khối lượng vốn thoái lớn là khó thực hiện khi phải đảm bảo lợi ích tối ưu cho Nhà nước, Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời PVN.
Tại Văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017 về việc phê duyệt danh mục DN thuộc tập đoàn thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị PVN triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các DN trong các lĩnh vực nhạy cảm (Bất động sản, Quỹ Đầu tư, Chứng khoán, Bảo hiểm) như CTCP Đầu tư Tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI), CTCT Đông Dương xanh, PVI…
Trường hợp gặp vướng mắc đặc thù, các nội dung phát sinh trong quá trình CPH, Ban Chỉ đạo CPH báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 45 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.