Góp phần quan trọng cho sự phát triển của Bộ, ngành
Báo cáo thực trạng ứng dụng CNTT ngành Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục CNTT Tạ Thành Trung cho biết, việc triển khai và hoàn thành nhiệm vụ về ứng dụng CNTT đã đạt được các mục tiêu cơ bản. Các hạng mục công việc đã hoàn thành tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành.
Một số lĩnh vực ứng dụng CNTT đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tạo ra cách làm mới, hiện đại, được cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị quan tâm hưởng ứng, tích cực triển khai, tạo ra những thay đổi cơ bản trong phương pháp làm việc và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới tiêu biểu như việc triển khai Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử toàn quốc.
Cụ thể, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành được trang bị mỗi người 1 máy tính kết nối internet và mạng nội bộ, mạng diện rộng (WAN) để đảm bảo cập nhật, trao đổi, xử lý thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Hệ thống Hội nghị truyền hình của Bộ đã triển khai, kết nối đến 63 Cục Thi hành án dân sự (THADS), các Trường Trung cấp Luật và Cục Công tác phía nam (điểm cầu chính của Bộ có thể kết nối với Hệ thống giao ban trực tuyến của Văn phòng Chính phủ), phục vụ kịp thời các cuộc họp giao ban trực tuyến của Lãnh đạo Bộ hàng tháng, các Hội nghị triển khai công tác, sơ kết, tổng kết của Bộ, ngành; các Hội nghị giữa Tổng cục THADS với các cơ quan THADS địa phương và cả Hội nghị trực tuyến giữa Lãnh đạo Bộ với các công ty luật tại Pháp, Mỹ, Mexico, Singapore, Hồng Kông.
Bộ đã xây dựng nhiều phần mềm ứng dụng, nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu như Hệ thống thư điện tử công vụ; Phần mềm Quản lý văn bản, điều hành và hồ sơ lưu trữ; Phần mềm Quản lý cán bộ và các chức danh tư pháp; ứng dụng chữ ký số; Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử.
Cổng thông tin điện tử của Bộ thường xuyên được nâng cấp, mở rộng đã phát huy vai trò là kênh thông tin chính thức của Bộ Tư pháp. Cổng dịch vụ công trực tuyến cũng được xây dựng để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực gồm đăng ký giao dịch bảo đảm (đạt mức độ 4); đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp, trọng tài thương mại, quản tài viên, con nuôi (mức độ 3)...
Xem xét như 1 tiêu chí thi đua – khen thưởng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai và ứng dụng CNTT năm qua còn một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Cục CNTT kiến nghị ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm để đầu tư Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ nhằm tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; lưu trữ, xử lý dữ liệu đáp ứng yêu cầu trong việc triển khai các ứng dụng CNTT trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới; ưu tiên, bố trí kinh phí cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và một số phần mềm cần thiết khác...
Đại diện lãnh đạo các đơn vị đồng tình với kết quả và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để tăng cường hơn nữa ứng dụng CNTT. Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển mong Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt việc phải sử dụng hệ thống quản lý điều hành đúng nghĩa. Cục CNTT cần quan tâm hoàn thiện, triển khai Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, còn các đơn vị phải quyết tâm triển khai các phần mềm ứng dụng.
Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc cho rằng phải ứng dụng đại trà chữ ký số; cho phép lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến của Cục với Bộ để tiết kiệm thời gian đi lại; có chính sách thu hút được kỹ sư CNTT chất lượng cao. Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hường thì đề nghị tăng cường nhận thức về CNTT cho cán bộ toàn ngành; quán triệt và kiểm tra mức độ ứng dụng CNTT như một tiêu chí xem xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ để khen thưởng hoặc đánh giá ảnh hưởng đến tiến độ công việc của ngành như thế nào…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long hoan nghênh kết quả ứng dụng CNTT trong bối cảnh nguồn lực hiện có. Tuy nhiên, Bộ trưởng nghiêm túc phê bình tinh thần chưa chủ động, có sức ì nhất định trong ứng dụng CNTT. Bộ trưởng yêu cầu mở rộng ứng dụng chữ ký số, ưu tiên Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử vì đây là việc thiết thực và đáp ứng nhu cầu của các địa phương, đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh việc tăng cường ứng dụng CNTT qua chấm điểm thi đua. Bộ trưởng cũng nhất trí mở rộng Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ, bố trí cơ sở vật chất phục vụ công tác tập huấn, triển khai các phần mềm về mặt nguyên tắc.