Chậm lại một chút…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúng ta luôn “dán” lên người chữ bận rộn. Ai cũng tin rằng mua thêm cái nhà, đời mình sẽ vui hơn. Mua thêm chiếc bình đắt tiền, trà sẽ ngon hơn... Cuộc chạy mải miết ấy, tưởng như chúng ta có tất cả, nhưng chúng ta có hạnh phúc không?...
Những cuộc chạy mải miết trong cuộc đời mỗi người và những cái đích thường không như chúng ta nghĩ! (Ảnh minh họa: internet)
Những cuộc chạy mải miết trong cuộc đời mỗi người và những cái đích thường không như chúng ta nghĩ! (Ảnh minh họa: internet)

Những cuộc chạy miết mải

Trong đời sống là những cú ngã bất thình lình khi mọi niềm tin chúng ta đặt vào ai đó bỗng tan thành mây khói. Con người dễ dàng quay lưng vì những thứ trước mắt. Một ngày, bỗng chúng ta gặp vô vàn điều bất trắc như hiệu ứng domino, những khoảng thời gian khó khăn liên tiếp ập đến. Những niềm tin bỗng vỡ vụn trước mắt.

Cuộc sống như một cuộc hành trình mà đích đến thì xa tít tắp không thể nhìn thấy. Chúng ta vì không muốn bị thế giới bỏ lại phía sau nên chạy ngày, chạy đêm, chạy không ngừng nghỉ, chạy bất chấp mọi sự diễn ra trên đường. Tất cả những gì chúng ta làm là lướt qua thật nhanh. Vốn dĩ, ai cũng ôm niềm hy vọng mình sẽ hạnh phúc nếu đi đến cuối con đường. Nhưng “niềm vui ở cuối con đường” có thể chỉ là những mộng tưởng, những tham vọng hão huyền. Có những người đặt nó làm mục tiêu cả cuộc đời, nhưng đến gần hết đời họ vẫn chưa tìm được. Theo nhà văn Nguyễn Phong Việt, chúng ta, theo cách nào đó, đến được ngày hôm này là nhờ những sai lầm và cả những đúng đắn.

Một người trẻ ngày nay thông thường là từ bé đến lớn đi học miệt mài, rồi đi làm. Như câu chuyện phim “Đi đến nơi có gió” gây “sốt” thời gian qua, trong guồng quay gấp gáp ấy, trong thành phố rộng lớn ấy, “cả thế giới chỉ bé lại bằng một người bạn tri kỷ”. Nhưng rồi, người bạn gái xinh đẹp ấy đã để Hồng Đậu lại một mình… Hứa Hồng Đậu đã từ bỏ công việc bận rộn, nhiều cơ hội thăng tiến của mình và đến với Đại Lý để điều chỉnh lại bản thân, muốn tìm lại phương hướng và ý nghĩa của cuộc đời mình.

Hồng Đậu đã gặp gỡ và kết giao với những người bạn mới, những người giúp cô chữa lành tổn thương trong quá khứ, giúp cô có thể một lần nữa được sống thật trọn vẹn. Họ cũng giống như cô, những người chạy trốn khỏi lối sống đô thị nhịp độ nhanh để tìm kiếm sự yên tĩnh ở chốn thôn quê giản đơn, mộc mạc. Thái độ làm việc chăm chỉ và khả năng phục hồi của họ đã tiếp cho cô sức mạnh để có thể bắt đầu lại.

Ngày trước, mặc dù hai người cùng sống trong một thành phố, nhưng số lần gặp nhau chỉ được đôi, ba lần. Lần gặp mặt nào, họ cũng than thở làm mãi không hết việc, nhưng tiền kiếm lại chẳng được bao nhiêu, bao dự định mua nhà, mua xe đều chưa thực hiện được. Ngay cả tình yêu cũng để bỏ lỡ hết mối này đến mối khác.

Hồng Đậu bận rộn đến nỗi không có cả thời gian nấu cho mình một bữa cơm tử tế. Đồ ăn, thức uống được ba mẹ, bạn bè gửi lên cô đều cho hết vào tủ lạnh rồi như bị xoá ký ức, đến lúc lục lại mới phát hiện ra đã quá date nửa năm.

Quyết định rời bỏ công việc vốn trở thành thói quen và đang trên đà thăng tiến của Hồng Đậu vốn là điều không dễ dàng. Những ngày đầu ở Vân Nam, hễ ai hỏi cô đến đây làm gì, sao không đi làm, cô chỉ mỉm cười và bảo mình đang muốn nghỉ ngơi. Mỗi ngày, cô đều thảnh thơi tản bộ, ghé tiệm cafe này, thử món ở quán kia, ngắm nghía mọi thắng cảnh và quan sát người dân nơi đây. Có lẽ chính Hồng Đậu cũng không ngờ sẽ có những khoảnh khắc lặng im, tựa vào gốc cây cũng đủ khiến cô rơi nước mắt, giải toả những nỗi buồn dồn nén bấy lâu nay.

Cô nhớ về người chị gái và ba mẹ hết mực yêu thương cô. Chỉ cần cô trở về, là họ luôn ở đó, chăm sóc cô như những ngày thơ bé. Nơi ấy, những chồng sách vở cao ngất, những ước mơ trẻ con cô ghi trên tường dường như còn nguyên vết dấu của “Hồng Đậu nhà ta”…

Nơi đó, Hứa Hồng Đậu chỉ sống trong khoảng lặp đi làm rồi về nhà, bỏ quên tất cả những lời mời, lời đề nghị, bỏ quên tình cảm gia đình, bạn bè để cố gắng được thăng tiến. Đây cũng chính là lối sống của giới trẻ ngày nay. Thời gian trôi qua mãi chỉ là vòng lặp vô hạn, thói quen con người vẫn vậy, không phải cố mà thay đổi được. Nó chỉ đổi thay khi cuộc đời xảy ra biến cố.

Lời chỉ dạy về hạnh phúc sau nỗi đau khắc nghiệt?

Khi mệt quá, chúng ta hãy chậm lại một chút. (Ảnh minh họa: internet)

Khi mệt quá, chúng ta hãy chậm lại một chút. (Ảnh minh họa: internet)

Xưa nay, sức khỏe tinh thần đã rơi vào một khu vực quá chuyên biệt: nó vẫn tồn tại, nhưng cứ như là thuộc về một thế giới khác. Thông tin tại một cuộc hội thảo về tình trạng sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, nhiều người giật mình bởi các con số: 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm là 25%.

Chúng ta hay lảng tránh thực tế này. Các liệu pháp hay được nhắc đến để ổn định tâm lý thường mang tính chất cá nhân: một người có thể tự giải quyết nó bằng hít thở sâu, hoặc thiền, chứ đừng có mang đi kể lể. Điều tiết cảm xúc dường như là một trách nhiệm mà chúng ta phải cố gắng làm một mình.

Thời đại công nghệ thông tin, người ta có thể dành thời gian nhắn tin cho nhau nhiều hơn ngồi cạnh nhau trò chuyện. Người ta có thể video call cho nhau cả tiếng đồng hồ vì không có điều kiện gặp gỡ nhau. Điều đó chứng tỏ, cảm giác nhớ nhung và muốn chế ngự sự cô đơn trong bản thân mỗi con người luôn thường trực.

Mỗi con người, bằng một cách nào đó, đều phải tự mình đi qua những ngày tháng không mong đợi. Bởi thế, hơn ai hết, theo các chuyên gia tâm lý, chúng ta cần học khả năng kháng thương. Đây là năng lực bật dậy sau tổn thương, là nâng niu mọi bất ổn đã trải qua. Kháng thương là không dè sẻn sự bao dung mà sử dụng nó từ niềm tin vững chắc rằng cuộc đời này không có phép màu đâu, nếu muốn bạn phải tự đi mà tạo ra. Nhưng nếu tim ta đủ lớn, nhà là vũ trụ mênh mông này.

Người ta có thể không cười mãi một chuyện vui nhưng lại vẫn có thể đau đớn không dứt về một chuyện buồn. Niềm vui chẳng dễ ở lại bên chúng ta lâu, nhưng nỗi buồn lại cứ khắc sâu mải miết. Phải chăng đó là cách để chúng ta ghi nhớ những bài học, những ý nghĩa sau thương tổn, từ chính câu chuyện buồn của mình?

Một ngày, bạn có thể cảm thấy cả thế giới như sụp đổ dưới chân mình. Mọi kỳ vọng đều bị đảo ngược đầy nghiệt ngã, những gì bạn mong cầu có thể chẳng bao giờ thành hiện thực. Thế rồi ngày mai, nó bỗng trở thành một vết sẹo cũ kĩ đã mờ nhạt, chỉ nằm ở đó nhắc nhở bạn nhớ về một bài học, về một con người trước đây của bạn, để thúc đẩy bạn thay đổi và bước tiếp. Điều quan trọng, bạn có thể xem mọi nỗi đau như một sự khắc nghiệt tột cùng hay đó là lời chỉ dạy cho chúng ta về hạnh phúc? Chỉ cần bạn nhìn thẳng vào vấn đề, đâu là điều quan trọng, đâu là những cho đi không cần hồi đáp, những buông bỏ để cho chúng ta cơ hội được chữa lành…

Khi tâm hồn bạn đủ rung cảm, đủ độ lượng và tha thứ, khi chúng ta không quá cố chấp, chúng ta đều có thể trở về an trú trong tâm mình! Bởi có những con đường chúng ta phải đi một mình. Mọi vấn đề hạnh phúc hay khổ đau, là do cách chúng ta bình tĩnh để vượt qua! Như món quà của sự trưởng thành…

Theo Mara Branscombe, khi ai đó không còn cảm thấy hạnh phúc, bỗng thấy muộn phiền, chơi vơi, đó là lúc họ cần chữa lành. Triết gia Rumi, từ thế kỷ 13, đã khẳng định, con người muốn như phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn, phải chấp nhận gặp gỡ cái tôi trong bóng tối thay vì trốn chạy. Trong cả cuộc đời, họ sẽ luân chuyển vai trò của kiến trúc sư, biên đạo múa và người biến hình để xác định con đường hướng tới nhận thức tích hợp, không còn bỏ qua cốt lõi của vấn đề hoặc chiều sâu của đau thương, mà ôm lấy tất cả những hỉ, nộ, ái, ố. Đó là chuyến đi khó khăn và ám ảnh, nhưng đầy mạnh mẽ, đến hạ giới - nơi cất giấu những bí mật thầm kín nhất mà chúng ta vô thức trốn tránh.

Chữa lành khi ấy cho chúng ta chạm đến điều bình dị nhất chỉ bằng suy nghĩ, như hương vị của một que kem sôcôla, khoảnh khắc vui đùa với chú cún con, hay lúc cười hạnh phúc trong cuộc chuyện trò với bạn thân. Lớn lên, chúng ta hiểu rằng mình phải luôn trân quý và nắm bắt mỗi phút giây, từng cuộc gặp gỡ trong đời bởi đó là những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại. Vậy mà chúng ta, trong một thời đại đầy rẫy lo âu thường nhật và biến động theo dòng chảy của thời gian, lại vô tình đánh mất lý tưởng sống cao đẹp này. Một hành trình khó khăn, nhưng con đường tìm kiếm lẽ sống ấy mang đến niềm vui, giúp chúng ta tích cực, sống trọn vẹn mỗi ngày...

Không có thói quen chia sẻ mọi vui buồn ngay với cả bạn đời

Nhiều người Việt Nam không có văn hóa xin giúp đỡ, nếu gặp khó khăn về tinh thần. Năm 2018, một hãng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam tổ chức một sự kiện mang tên “Tôi sợ gì”. Họ tổ chức một chuỗi phỏng vấn nhanh ở TP Hồ Chí Minh. Người được hỏi là nam giới. Câu hỏi đầu tiên: “Anh sợ gì nhất trong cuộc sống?”. Các câu trả lời tương đối quen thuộc với đàn ông Á Đông. Họ sợ không kiếm ra tiền, không lo được cho gia đình, không có việc làm…

Câu hỏi thứ hai: “Anh thường chia sẻ nỗi sợ đó với ai không?”. Câu trả lời phần lớn là “Không”. Họ không muốn nói ra nỗi sợ của mình với người thân, đặc biệt là với vợ con. Họ chỉ giữ những áp lực đó cho bản thân mình. Có người giải thích, “Nói ra chỉ khiến người khác thêm lo lắng, vấn đề của mình thì mình phải tự chịu đựng thôi”. Theo đó, định kiến giới dành cho cả hai giới: Phụ nữ thì phải nhu mì. Đàn ông phải cứng rắn.

Nó bắt đầu bằng một câu nói quả quyết, khi em bé đi tiêm hoặc uống thuốc: “Con trai thì không được khóc”. Người bố sẽ cau mày và nói câu đó một cách thành tâm. Anh ta cũng đã được dạy rằng đàn ông thì phải cứng rắn và không được dễ dàng biểu lộ cảm xúc. Đặc biệt là cảm xúc yếu đuối.

Hãng bảo hiểm sau đó dựng lên một gian hàng ở quận 7. Một trăm ba mươi lăm cặp vợ chồng bước vào một quầy được ngăn đôi. Trong đó, họ làm 2 khảo sát giống nhau, với cùng câu hỏi: “Nỗi sợ của người chồng là gì?”. Trên giấy có 15 nhóm nỗi sợ, từ sợ gián, sợ béo, sợ ma… cho đến sợ cô đơn, thất nghiệp, bệnh tật…

Chỉ có một cặp vợ chồng mà cả hai người đều khoanh trùng 5/5 nỗi sợ. Chỉ có 7 cặp vợ chồng khoanh trùng 4/5 nỗi sợ. Có đến 20% không khoanh được quá bán. Về lý do, hầu hết những người tham gia chương trình giải thích: Họ không có thói quen chia sẻ những nỗi sợ của mình với bạn đời.

Đọc thêm