Chậm tiêm vaccine ngừa COVID-19, kinh tế toàn cầu mất 2,3 nghìn tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một báo cáo được công bố ngày 25/8 cho rằng, việc chậm triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,3 nghìn tỷ USD.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AFP, nghiên cứu của Economist Intelligence Unit - bộ phận phụ trách các hoạt động dự báo của tờ The Economist - cho rằng, trong giai đoạn 2022-2025, các quốc gia không đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ phải chịu mức thiệt hại tổng cộng tương đương với 2 nghìn tỷ euro (khoảng 2,3 nghìn tỷ USD).

Theo báo cáo, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, hiện là những nơi có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp hơn nhiều so với các nước giàu hơn, sẽ phải gánh chịu phần nhiều trong số tổn thất đó.

“Các nước đang phát triển sẽ gánh chịu khoảng 2/3 số thiệt hại này, càng làm trì hoãn quá trình hội tụ kinh tế của các nước này với các nước phát triển hơn”, báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh.

Theo báo cáo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt tuyệt đối, chiếm gần 3/4 số thiệt hại. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP, châu Phi cận Sahara sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo nghiên cứu, đến cuối tháng 8, khoảng 60% dân số ở các nước có thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các quốc gia nghèo hơn chỉ là 1%.

“Các chiến dịch tiêm chủng đang tiến triển với tốc độ chậm ở các nền kinh tế có thu nhập thấp”, báo cáo của Economist Intelligence Unit nhấn mạnh.

Economist Intelligence Unit cũng cảnh báo việc chậm triển khai vaccine có thể gây ra sự phẫn nộ, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia phát triển đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho người dân của họ. Hầu hết các vaccine hiện có đều cần phải chủng ngừa đầy đủ hai liều.

Theo Economist Intelligence Unit, nghiên cứu của họ được thực hiện bằng cách kết hợp các dự báo về lịch trình tiêm chủng ở khoảng 200 quốc gia với dự báo tăng trưởng GDP.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới. Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng 25/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 213,94 triệu ca nhiễm COVID-19. Hơn 191,43 triệu người trong số này đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,46 triệu người.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với hơn 38,96 triệu ca nhiễm, trong đó 648.126 ca tử vong. Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci ngày 24/8 cho rằng Mỹ có thể kiểm soát được dịch COVID-19 vào mùa Xuân năm 2022 nếu tỉ lệ tiêm chủng trong người dân được tăng lên đáng kể.

Phát biểu của ông Fauci được đưa ra một ngày sau khi Cục Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer và một số loại vaccine khác dự kiến cũng sẽ được cấp phép tương tự trong thời gian tới.

Nhiều người Mỹ thời gian qua vẫn có tâm lý do dự không tiêm phòng dù đủ điều kiện để tiêm. Tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn mức kỳ vọng cộng với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến nhiều bang tại Mỹ phải chật vật đối phó với tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

Một báo cáo vừa được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố cho biết, những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp gần 30 lần so với những người đã tiêm đầy đủ.

“Dữ liệu về tỷ lệ nhiễm mầm bệnh và nhập viện chỉ ra rằng vaccine bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhiễm bệnh cũng như nguy cơ bệnh tiến triển nặng trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ”, CDC khẳng định.

Còn tại châu Âu, Anh ngày 24/8 ghi nhận 174 trường hợp tử vong do COVID-19, là số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ ngày 12/3 cho đến nay. Cùng ngày, Anh ghi nhận thêm 30.838 ca mới COVID-19.

Theo thống kê, 77% dân số trưởng thành tại Anh đã được tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch từ giữa tháng 7, cho phép người dân đi lại, giao lưu và trở lại công sở làm việc.

Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp cũng đã công bố một loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại nước này.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer Albert Bourla ngày 24/8 thông tin hãng đang phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 đặc hiệu để đối phó với biến thể Delta.

Đọc thêm