Chấn chỉnh công tác QLTT – từ phát biểu nghị trường đến hành động

(PLO) - Sáng nay 01/11, tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, vấn đề chấn chỉnh công tác quản lý thị trường (QLTT) được ông nêu ra nhiều giải pháp mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội sáng 01/11
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội sáng 01/11

Nâng cao trách nhiệm công vụ: Công chức QLTT cũng bị kỷ luật

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng cần khách quan đánh giá là công tác này thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. 

Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc tiếp tục tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các cấp xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch đi vào chiều sâu, tập trung vào các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm và địa bàn trọng điểm; các đợt kiểm tra chuyên đề... Qua đó, nhiều mặt hàng đã được tập trung kiểm tra, xử lý đạt kết quả tích cực, trong đó có hai mặt hàng là thuốc lá và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Về thuốc lá điếu nhập lậu: Bước đầu góp phần ngăn chặn, làm giảm đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, đã ngăn chặn một số điểm nóng chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc bán thuốc lá ngoại nhập lậu không còn công khai như trước. 

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT ngày 01 tháng 3 năm 2017 thực hiện Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón. Riêng 9 tháng năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 2.537 vụ (bằng 187% so với cùng kỳ năm trước), xử lý 1.091 vụ (bằng 273% so với cùng kỳ năm trước), tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng. Tịch thu, tiêu huỷ tang vật trị giá gần 208 triệu đồng, 2.241 kg, 7.128 bao, 40 chai và 161 gói phân bón các loại; tịch thu, tiêu huỷ 48.236 kg thuốc bảo vệ thực vật (bằng 126,8 % so với cùng kỳ năm trước).

Bộ Công Thương đã gắn công tác giáo dục gắn với kiểm tra, xử lý cán bộ trong lực lượng quản lý thị trường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ; ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường và Chỉ thị số 23/CT-BCT về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường. Bộ đã kiên quyết phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong lực lượng quản lý thị trường. Theo đó, năm 2016 có 16 trường hợp, trong đó có công chức là Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; cá biệt có trường hợp bị khởi tố hình sự và phạt án tù như ở Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng. Trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có 7 trường hợp bị xử lý, trong đó có 2 trường hợp bị cách chức (01 đội trưởng, 01 phó đội trưởng), 2 trường hợp bị hạ bậc lương, 3 trường hợp bị khiển trách...

Thông điệp gì từ những chỉ đạo vụ Khaisilk?

Trước đó, ngày 31-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định số 4318/QĐ-BCT giao quyền chủ trì cuộc kiểm tra Công ty TNHH Khải Đức (TP HCM) và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của đơn vị này cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Theo quyết định này đồng nghĩa với việc Cục Quản lý thị trường, đơn vị được chỉ đạo phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin về vụ Khải Silk, sẽ không còn giữ quyền chủ trì công tác kiểm tra nữa. Chủ trì sẽ là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường bị cho là quá chậm trễ và thiếu trách nhiệm khi thực hiện chỉ đạo khẩn của Bộ trưởng Bộ Công Thương. 

Ngày 23/10, trên mạng xã hội có thông tin phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”. Ba ngày sau (26/10) khi biết thông tin này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lập tức chỉ đạo Chánh Văn phòng Trần Hữu Linh ký văn bản hỏa tốc yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm đề nghị ngay hướng xử lý”.

Ngày 27/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm “tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam".

Chiều ngày 30/10, sau khi nhận được bản báo cáo từ Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì một cuộc họp với các đơn vị liên quan; phê bình Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thiếu phối hợp, chưa kịp thời thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng; phê bình Cục Quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, làm báo cáo sơ sài và không làm đúng trọng trách của mình.

Sáng ngày 31/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã quyết định chuyển hồ sơ vụ việc liên quan tới Tập đoàn Khaisilk sang cơ quan điều tra – Công an TP. Hà Nội để truy cứu trách nhiệm hình sự và yêu cầu mở rộng thanh, kiểm tra toàn bộ hệ thống các cửa hàng thuộc tập đoàn Khaisilk...

Không dừng lại ở đó, sau khi đoàn kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh tiến hành xong cuộc kiểm tra, cũng trong ngày 31/10, ông Trần Tuấn Anh đã ký quyết định giao nhiệm vụ chủ trì đợt kiểm tra cho một đơn vị có trách nhiệm hơn.

Quyết định trên được dư luận đồng tình và hi vọng công tác quản lý thị trường sẽ tạo được chuyển biến thật sự khi mà Cục Quản lý thị trường là đơn vị có quá nhiều vấn đề “lình xình”, tiêu cực trong thời gian qua chưa được xử lý dứt điểm. Trong phương án cải cách bộ máy hành chính mới, Cục Quản lý thị trường sẽ được nâng cấp lên Tổng cục Quản lý thị trường. Vậy mà, với cung cách làm việc ỳ ạch, chậm trễ, thiếu trách nhiệm như trong việc Khaisilk, đây quả là một hồi chuông cảnh báo, sẽ cần một cuộc “đại phẫu”, thay máu tại đơn vị này.

Dẫu sẽ còn rất nhiều việc phải làm nhưng những động thái kiên quyết, dứt khoát của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với ngành quản lý thị trường đã thể hiện thông điệp không nể nang, không khoan nhượng. Khi người đứng đầu phải cầm tay chỉ việc và thậm chí phải “thay ngựa giữa dòng” như vậy, những người trong cuộc hẳn biết mình cần chuyển động trước đòi hỏi của kỷ cương và phát triển.

Đọc thêm