Chấn chỉnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội sáng nay, 27/10, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại phiên họp.

Sớm chấn chỉnh tình trạng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Phát biểu tại phiên họp, khi đề cập đến những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh tình trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự…

Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong năm 2023.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) bày tỏ đồng tình với nhận định về hạn chế về việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân.

“Tuy nhiên, nếu chỉ nói vướng mắc là do chính sách pháp luật là chưa đủ, mà cái chính là do con người, do công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai khai thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Theo đại biểu, qua tiếp xúc cử tri cho thấy có 3 nhóm. Thứ nhất là cán bộ còn hạn chế về năng lực có tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ.

Một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế có chuyện nghe ngóng, né tránh.

“Còn đối tượng thứ ba, khi tôi đặt câu hỏi là Luật Đất đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu cũng triển khai từ năm 2013, tại sao trong suốt quá trình đó không thấy vướng như bây giờ. Có một số trả lời là bây giờ không muốn làm, không dám làm vì trước làm đã không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, nếu bây giờ vẫn làm đúng như vậy thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề”, đại biểu cho biết.

Vì vậy, theo đại biểu, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt. “Thủ tướng rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, nhưng ở dưới thì lại có tư tưởng như vậy, Chính phủ cần chấn chỉnh lại và càng sớm càng tốt, không để ảnh hưởng tới chất lượng, nhiệm vụ”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc

Cũng quan tâm đến vấn đề nhân lực, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề cập đến tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng.

“Từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là một vấn đề đặt ra cho hoạt động quản trị của Chính phủ”, đại biểu nói.

Nhìn nhận về bản chất của thực trạng này, đại biểu cho rằng, có một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, đó là xu hướng không chỉ ở nước ta mà một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chứng kiến xu hướng chuyển dịch nhân sự ra khỏi khu vực công.

Thứ hai, những người ra khỏi khu vực công vẫn tiếp tục cống hiến công sức, năng lực của mình cho xã hội.

Thứ ba, nguyên nhân được coi của hiện tượng này là tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc. Thực tế cho thấy tiền lương và thu nhập trong khu vực công thường thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài và thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập bởi ràng buộc của các quy định pháp lý mà các quy định này lại thường có độ trễ so với yêu cầu của thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của Chính phủ.

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, theo đại biểu, đây chưa hẳn là căn nguyên duy nhất của vấn đề. Bởi, có nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc không phải chỉ vì thu nhập thấp mà còn có nguyên nhân khác như bởi áp lực công việc quá lớn và đối với nhiều người trẻ, họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là một việc làm, một vị trí ổn định trong khu vực công.

Thứ tư, khu vực công và khu vực tư đều yêu cầu tri thức, tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, tính hiệu quả nhưng khu vực công thì yêu cầu về trách nhiệm không chỉ trong công việc mà còn là trách nhiệm trước nhân dân với tính tư cách là đối tượng mà cán bộ, công chức phải phụng sự.

“Với yêu cầu này thì sự hài hòa giữa thu nhập và việc thực hiện vai trò là công bộc của dân là hết sức cần thiết. Như thế, có thể thấy rằng, hiện tượng chuyển dịch này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá và hoàn thiện hoạt động quản trị của mình”, đại biểu nói.

Từ góc nhìn như vậy, đại biểu bày tỏ tán thành với các giải pháp xử lý tình trạng này của Chính phủ và kiến nghị thêm một số giải pháp.

Một là, thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc; bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc; cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến, công bằng và minh bạch.

Hai là, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.

Ba là, quan tâm đúng mức đến thu nhập cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Cuối cùng, theo đại biểu, cần cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời kịp thời Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đọc thêm