Chấn chỉnh trường 'quốc tế'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm học 2023 - 2024, TP HCM có hơn 2.300 trường học với 1,7 triệu học sinh. Thế nhưng suốt một thời gian dài vừa qua, một ngôi trường “quốc tế” tại huyện Nhà Bè của TP, với hơn 1.300 học sinh lại thu hút sự chú ý theo dõi đặc biệt của dư luận; vì những “lùm xùm” đã, đang xảy ra tại ngôi trường này có thể gây ra một tiền lệ xấu cho ngành Giáo dục.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP cho hay, vì là trường tư nên trường này được kêu gọi góp vốn, vay vốn từ phụ huynh. Trường này có ba cách huy động tiền. Thứ nhất, phụ huynh đóng gói 4 tỷ đồng để con học từ lớp 1 đến lớp 12. Sau khi con tốt nghiệp hoặc chuyển trường, họ được trả lại. Thứ hai, phụ huynh đóng gói 2 tỷ cho con học trọn khóa, không được hoàn lại. Thứ ba, phụ huynh có thể chọn đóng theo tiến độ học tập.

Học phí của trường là 280 - 725 triệu một năm, tùy bậc học. Trường có 1.316 học sinh, từ tiền tiểu học đến lớp 12. Hiện có khoảng 900 học sinh đóng tiền theo gói 4 tỷ. Số phụ huynh đóng theo phương án hai là 244 người. Và chỉ có 6 học sinh chọn đóng theo tiến độ. Riêng khối 12 có 75 em, còn một kỳ kiểm tra nữa là được cấp bằng Tú tài quốc tế (IB).

Từ nhiều tháng trước, ngôi trường này đã “nổi tiếng”, vì một số phụ huynh tới đòi lại tiền “đầu tư” mà chưa được trả, nên đã căng băng rôn phản đối. Lùm xùm càng căng thẳng cách đây hai tuần, khi toàn bộ học sinh phải nghỉ học do phần lớn giáo viên không đi dạy vì bị nợ lương. Nhiều phụ huynh “mắc kẹt” vì đã đóng học phí theo gói, mà chuyển trường khi học kỳ II sắp kết thúc, là chuyện không dễ.

Theo số liệu báo cáo, số nhân sự của trường là khoảng 250 người, cả Tây và ta. Trường đã huy động từ các phụ huynh ít nhất 3.600 tỷ đồng. Số vốn của chủ đầu tư và huy động từ phụ huynh, trường cho rằng để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất. Trường cho rằng đóng phí chương trình IB, vận hành xe đưa đón học sinh nhưng không thu tiền. Những khoản đầu tư nhằm đáp ứng quy mô 4.000 học sinh nhưng trường chỉ tuyển được một nửa. Mức học phí tới hơn 700 triệu đồng/năm được trường cho rằng “cũng chỉ vừa đủ hoặc thấp hơn chi phí đầu tư cho mỗi học sinh”.

Lý giải thêm về việc tiền đã đi đâu, chủ đầu tư trường cho rằng “không đầu tư gì khác ngoài giáo dục”, nhưng vẫn mất thanh khoản, dẫn đến trả chậm lương giáo viên, nhân viên, chậm hoàn tiền “hợp đồng đầu tư” của phụ huynh. Chủ tịch Hội đồng trường của trường này, hiện đã bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế thu nhập cá nhân. Trường cũng đã bị đình chỉ tuyển sinh năm học tới, cho đến khi nhà đầu tư giải quyết các vấn đề tài chính, nhân sự, ổn định dạy học.

Những “lùm xùm” liên quan đến trường này, chắc chắn không thể sớm giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn. Nhưng hậu quả đã xảy ra trước hết với các học sinh, khi có lúc phải nghỉ vì giáo viên không chịu dạy, vì ngơ ngác không hiểu tại sao? Đó cũng là lý do lãnh đạo UBND TP HCM trong cuộc mới đây đã đề nghị Văn phòng UBND TP, Sở GD&ĐT rà soát lại trách nhiệm quản lý nhà nước với trường “quốc tế” trên nói riêng và các trường tư thục khác. Từ đó, TP phải chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm tra, giúp các trường hoạt động đúng quy định pháp luật, thông lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích của học sinh.

Đọc thêm