“Chặn cửa” trốn thuế và "chạy" vốn

Rất nhiều “mối quan tâm nhức nhối” như “lỗ giả” của doanh nghiệp FDI, liệu có thêm dự án sân gôn nào “ăn” đất nông nghiệp, "chạy" vốn… vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp tại buổi đối thoại trực tuyến  qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Rất nhiều “mối quan tâm nhức nhối” như “lỗ giả” của doanh nghiệp FDI, liệu có thêm dự án sân gôn nào “ăn” đất nông nghiệp, "chạy" vốn… vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp tại buổi đối thoại trực tuyến  qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

- Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước đang lâm vào tình trạng có vấn đề về tài chính, một số trụ sở cũng như xưởng, nhà máy  “vườn không nhà trống”. Hiện tượng này gây lãng phí về quỹ đất cũng như doanh thu cho thuê đất của nhà nước? Trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp của Bộ thế nào?

-  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:  Mỗi DN có khó khăn khác nhau, phải xác minh cụ thể, kiểm tra lại xem DN đó khó khăn thật sự, đổ bể do khách quan hay các lý do khác, để mỗi doanh nghiệp  có cách xử lý. Nhưng theo tôi, đây là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương và DN phải cùng nhau rà soát tháo gỡ để từ đó làm sao phải khắc phục được, hoặc là phục hồi sản xuất cho hiệu quả, hoặc là yêu cầu chuyển nhượng, thu hồi nếu như có những yếu tố có thể thu hồi được theo đúng luật pháp Việt Nam.

- Câu chuyện “lỗ giả” của DN FDI đã rõ và diễn ra trong một thời gian khá dài gây thất thoát lớn cho nhà nước, hành động của chúng ta?

- Trước hết, phải khẳng định phần lớn các DN đầu tư nước ngoài làm ăn rất nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có một số DN không trung thực trong khâu hạch toán kinh doanh, khai lỗ giả để trốn tránh trách nhiệm nộp thuế, trong kinh tế gọi là chuyển giá. Khi xuất hiện tình trạng này, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành địa phương đã tích cực xem xét để giải quyết. Bộ KH&ĐT đã xây dựng đề án chống chuyển giá và sau khi trình, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì chương trình này, vì liên quan nhiều đến thuế, hải quan.

Bộ KH&ĐT cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu để so sánh giá các mặt hàng trong nước và quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng việc chống chuyển giá không chỉ từ khâu cuối cùng, mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành ở mọi khâu, từ đó phát hiện sớm để ngăn chặn.

- Dòng vốn FDI không đầu tư cho sản xuất mà chỉ “chăm chăm” đổ vào bất động sản, lẽ nào chúng ta vẫn “bằng lòng”?

- Về dòng vốn FDI đưa vào lĩnh vực bất động sản, có thể nói rằng, về luật pháp, Việt Nam không cấm các nhà đầu tư nước ngoài. Phải nói rằng hiện có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, hiện đại, mẫu mực qua đó, không những chúng ta có lợi về đầu tư mà còn có bài học trong quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực Nhà nước khuyến khích mà chúng ta khuyến khích các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến…

Đầu tư cho bất động sản cũng có đóng góp quan trọng nhưng nếu đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây ra những vấn đề căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế vĩ mô. Hiện nay, đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Nếu bình quân trong giai đoạn 2008 – 2010, trên 34% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào bất động sản. Đây là con số đáng báo động. Nhưng năm 2011, cùng với các biện pháp quản lý vĩ mô, đầu tư vào bất động sản của các DN FDI giảm còn 7%.

- Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng, liệu có thêm sân golf nào được xây dựng không?. Bộ trưởng có bao giờ nghĩ đến việc bỏ bớt sân golf, trả lại đất sản xuất cho nông dân hay không?.

- Phải nói rằng sân golf không có lỗi gì cả, vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Ví dụ, sân golf biến khu vực đất hoang hóa thành cơ sở du lịch, giải quyết việc làm… và nhiều nước đã thực hiện, Việt Nam không phải là nước có nhiều sân golf. Mặt khác, cũng phải nói rằng, việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng làm sân golf là việc không thể chấp nhận được.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ đạo này cũng có nơi chưa được nghiêm. Tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ một Chỉ thị mới về vấn đề này, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 3. Theo đó, sẽ rà soát lại các sân golf không đúng phép, kiên quyết loại bỏ; kiểm tra, xử lý các các sân dùng đất màu, đất lúa, biến thành BĐS; đặc biệt, quy định không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa 1 vụ kém năng suất), đất màu, đất rừng để làm sân golf.

 - “Chạy ngân sách, chạy vốn đầu tư” – cụm từ này có xuất hiện ở Bộ Kế hoạch đầu tư không?

- Đây là vấn đề mà tất cả các cấp, ngành liên quan đều phải quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa hạn chế tiêu cực có thể xảy ra. Tôi nghĩ rằng, không ai có thể nói rằng, ở Bộ mình, cơ quan mình, ngành mình là hoàn toàn không có tiêu cực. Vấn đề đặt ra là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được. Bộ đã và đang làm theo định hướng đó và cũng có kết quả hết sức tích cực, được các địa phương, bộ, ngành đánh giá rất cao.

Ngay trong năm 2012, Bộ sẽ trình Chính phủ xây dựng Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn là 5 năm, theo đó, từ năm 2013, Chính phủ sẽ công bố ngân sách cấp cho các bộ, ngành, địa phương; Các địa phương được chủ động phân bổ nguồn lực này. Tôi nghĩ đây là việc làm quan trọng để thay đổi tư duy, thay đổi cơ chế “xin cho”…

Mai Hoa (ghi)

Đọc thêm