Chân dung người phụ nữ có cơ hội làm nên lịch sử ở Pháp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại diện đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Marine Le Pen đang có cơ hội ghi danh vào lịch sử nước Pháp nếu chiến thắng tại vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống của nước này sẽ diễn ra vào ngày 24/4 tới.
Bà Le Pen.
Bà Le Pen.

Con nhà nòi

Theo kết quả chính thức của vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 do Bộ Nội vụ Pháp công bố hôm 10/4, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã giành được 27,85% số phiếu bầu, trong khi nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen nhận được 23,15%.

Kết quả trên cho phép cả hai ứng cử viên cùng lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022.

Nếu chiến thắng sau vòng 2 vào ngày 24/4 sắp tới, ông Macron sẽ có thêm 5 năm nữa để thúc đẩy cải cách bao gồm nâng độ tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 65 tuổi và cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Còn với bà Le Pen, chiến thắng tại vòng bầu cử này sẽ giúp bà trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Pháp.

Bà Marine Le Pen sinh năm 1968 ở Neuilly-sur-Seine, Pháp trong một gia đình có ba cô con gái, bà là con út.

Cha của bà là ông Jean-Marie Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia, cũng là một người tán thành nhiều quan điểm gây tranh cãi.

Đây được cho là lý do ông trở thành mục tiêu trong một vụ đánh bom xảy ra vào năm 1976, khiến tòa nhà của gia đình ông bị hư hại nặng.

Bà Le Pen lấy bằng luật tại Đại học Panthéon-Assas (Đại học Paris II) vào năm 1991 và hoàn thành bằng sau đại học về luật hình sự ở trường này vào năm 1992.

Cùng năm đó, bà nhận được chứng nhận hành nghề luật sư và làm luật sư tại Paris từ năm 1992 đến 1998.

Năm 1998, bà gia nhập bộ máy hành chính của Mặt trận Quốc gia do cha bà thành lập năm 1972.

Trước khi quyết định tự mình ra tranh cử tổng thống Pháp, bà từng là người quản lý chiến dịch tranh cử tổng thống của cha mình vào năm 2007.

Bà cũng từng giữ một số chức vụ cấp khu vực và thành phố trong chính quyền vùng Nord-Pas-de-Calais, đưa đảng Mặt trận Quốc gia giành được những thành tích quan trọng trong cuộc bầu cử ở khu vực này vào năm 2009.

Thoát khỏi cái bóng của cha

Dần dần, bà Le Pen thoát khỏi cái bóng của cha mình để trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc gia theo đúng nghĩa.

Đó cũng là lúc bà tách mình ra khỏi một số quan điểm cực đoan hơn của ông Jean-Marie Le Pen và đảng Mặt trận Quốc gia.

Ví dụ, dù ủng hộ lập trường chống nhập cư đã được thiết lập của Mặt trận Quốc gia, nhưng bà Le Pen đã thay đổi chủ nghĩa châu Âu truyền thống của đảng này thành chủ nghĩa dân tộc Pháp và bà cũng là một nhà phê bình mạnh mẽ đối với chủ nghĩa bài Do Thái.

Với vẻ ngoài quyến rũ và bản năng chính trị nhạy bén được trui rèn khi ở bên cha, bà Le Pen dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để kế nhiệm ông Jean-Marie Le Pen làm lãnh đạo Mặt trận Quốc gia vào năm 2011.

Vào tháng 5/2011, bà Le Pen được chọn làm đại diện cho Mặt trận Quốc gia trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, chống lại Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy và ứng cử viên Đảng Xã hội François Hollande.

Tại cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 4/2012, bà Le Pen về vị trí thứ ba trong vòng đầu tiên của cuộc bỏ phiếu, với hơn 18% số phiếu bầu.

Dù kết quả này không giúp bà vào được vòng bỏ phiếu thứ hai, nhưng đó là thành tích tốt nhất của đảng Mặt trận Quốc gia trong cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp tính đến thời điểm đó.

Sau cuộc bầu cử, bà Le Pen tiếp tục củng cố hình ảnh của đảng Mặt trận Quốc gia và sự nổi tiếng của bản thân.

Được xem là người phát ngôn nổi bật nhất của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, bà Le Pen từng lên tiếng ca ngợi cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh vào tháng 6/2016. Đồng thời, bà thể hiện quan điểm có nhiều điểm tương đồng với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhất là lập trường dân tộc chủ nghĩa kinh tế, vấn đề Hồi giáo.

Năm 2017, bà này tiếp tục ra tranh cử tổng thống Pháp và cùng ông Emmanuel Macron lọt vào vòng 2 của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, tại vòng bỏ phiếu diễn ra ngày 23/4 cùng năm, bà đã thua trước ông Emmanuel Macron.

Cơ hội lịch sử

Bà Le Pen khởi động cuộc đua vào Điện Elysee lần thứ 3 với cam kết bảo vệ “quyền tự do” của nước Pháp.

Chiến dịch của bà dựa vào một cam kết trọng tâm là mang đến thu nhập nhiều hơn cho người Pháp, trong bối cảnh lo ngại lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Nhiều cử tri nói rằng bà đã “bớt cực đoan hơn”, “trưởng thành hơn” và “tự tin hơn”, thậm chí là ra dáng “tổng thống hơn”.

Các cuộc thăm dò mới đây nhất cho thấy bà Le Pen không thua kém đối thủ là bao, với tỉ lệ trung bình chỉ là 49 - 51% nghiêng về đương kim Tổng thống Pháp.

Trong bối cảnh đó, Pháp và cộng đồng châu Âu đang phải đối mặt với khả năng xảy ra một điều mà chỉ vài tháng trước vốn được cho là không tưởng: một nhà lãnh đạo Pháp theo chủ nghĩa châu Âu, chống người nhập cư từng đưa ra cam kết sẽ đưa Pháp rời NATO nếu đắc cử và được coi là có quan điểm thân thiện với Nga.

Ông Rainbow Murray, giáo sư và chuyên gia về chính trị Pháp tại Đại học Queen Mary ở London, Anh, nhận định, bà Le Pen “đang ở gần chiến thắng hơn bao giờ hết”.

“Trong hai cuộc bầu cử gần đây nhất, tôi đều đã được hỏi đi hỏi lại rằng liệu bà Le Pen có thể giành chiến thắng hay không và tôi đã nói rằng: “Không, không có cơ hội nào” nhưng đây là lần đầu tiên tôi do dự về điều đó”, ông Murray nói.

Đọc thêm