Từ cậu bé bán café thành thủ tướng
Việc nhậm chức của ông Mahathir diễn ra sau khi liên minh Hiệp ước hy vọng (PH) đối lập của ông Mohamad đã giành được 113 trong tổng số 222 ghế tại Hạ viện Malaysia tại cuộc bầu cử diễn ra hôm 9/5, nhiều hơn mootj ghế so với số ghế cần thiết để thành lập chính phủ.
Với kết quả này, PH đã đánh bại liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) của cựu Thủ tướng Najib Razak. Kết quả này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Malaysia liên minh BN với nòng cốt là đảng Mặt trận Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) vốn nắm quyền liên tục tại Malaysia kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1957 không được bầu làm lực lượng lãnh đạo.
Trước đó nhiều người đã dự đoán liên minh BN cầm quyền sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử đầy khó khăn nhưng người ta vẫn nghĩ rằng họ sẽ giành được đủ số ghế cần thiết để lập chính phủ. Thêm vào đó, cũng có những cáo buộc cho rằng Chính phủ của ông Najib đã cố tình tổ chức bầu cử vào ngày đi làm trong tuần thay vì vào cuối tuần như thông lệ để giảm số cử tri đi bầu hòng giảm thiểu nguy cơ thất bại.
Chiến thắng bất ngờ nói trên cũng đánh dấu sự trở lại đầy kịch tính của ông Mahathir Mohamad – người từng làm thủ tướng của Malaysia trong suốt 22 năm, là thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử nước này.
Ông Mahathir Mohamad sinh ngày 10/7/1925 tại một khu dân cư nghèo ở thành phố Alor Setar thuộc bang Kedah, miền bắc Malaysia. Cha của ông là một giáo viên còn mẹ ông tham gia các hoạt động tôn giáo. Xuất thân trong một gia đình có nền tảng xã hội thấp nhưng ông Mahathir sớm thể hiện là một nhân vật xuất sắc. Thành tích học tập nổi bật đã giúp ông giành được học bổng tại trường trung học cơ sở dạy bằng tiếng Anh duy nhất ở Malaysia.
Tuy nhiên, trong thời gian này, Nhật Bản tấn công Malaysia, trường học của Mahathir bị đóng cửa. Vì không muốn học tại trường tiếng Nhật nên ông đã bỏ học, đi bán café và chuối rán ở một khu chợ ở địa phương cho đến khi buộc phải đi học trở lại do sức ép của cha. Năm 1947, ông Mahathir bắt đầu theo học trại trường Đại học Y King Edward VII tại Singapore.
Hoàn tất khóa học vào năm 1953, ông về nước và trở thành một bác sỹ quân y. Đến năm 1956, ông quyết định nghỉ việc, trở về bang Alor Setar và mở một phòng khám tư. Tại thời điểm đó, ông là bác sỹ người Malaysia duy nhất ở cả vùng đó.
Cùng với công việc chuyên môn của một bác sỹ, Mahathir cũng rất yêu thích chính trị. Trên thực tế, ngay từ khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã tích cực tham gia những cuộc biểu tình của giới sinh viên đòi độc lập cho Malaysia. Ông tham gia UMNO – đảng chính trị lớn nhất Malaysia và nhanh chóng trở thành một nhân vật nổi tiếng, được bầu vào Hội đồng tối cao, bộ phận lập pháp của đảng.
Năm 1964, ở tuổi 39, ông Mahathir lần đầu ra tranh cử và được bầu làm đại diện bang Kota Setar Seletan tại Quốc hội Malaysia. Căng thẳng sắc tộc giữa người Trung Quốc và người Mã Lai ở Malaysia lên đến đỉnh điểm vào năm 1969.
Vẫn giữ sự thẳng thắn của mình, Mahathir đã viết một cuốn sách mạnh mẽ chỉ trích Chính phủ của Thủ tướng Rahman ủng hộ các lợi ích của người Trung Quốc. Chính việc này đã khiến ông bị sa thải khỏi hội đồng tối cao của UMNO và bị khai trừ khỏi đảng.
Đến năm 1973, sau khi ông Rahman đã từ chức và Thủ tướng mới Abdul Razak Hussein lên thay, ông Mahathir quay trở lại chính trường sau ba năm vắng bóng. Chỉ mootj năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ giáo dục Malaysia và đến năm 1976 thì được bầu làm Phó thủ tướng của nước này.
Ở thời điểm này, ông đã ấp ủ nhiều kế hoạch cải tổ Malaysia nhưng vị trí Phó thủ tướng không cho phép ông thực hiện những dự định của mình. Phải đến 16/7/1981, khi được bầu làm Thủ tướng của Malaysia, ông mới bắt đầu có thể thoải mái thực hiện các kế hoạch nghị sự mình vạch ra.
Ông chính là người đứng đầu nhà nước đầu tiên tại Malaysia có nền tảng gia đình bình thường vì ba thủ tướng trước ông đều là thành viên của hoàng tộc Malaysia.
Bao giờ thua trong bầu cử
Kể từ khi đắc cử thủ tướng thứ tư vào năm 1981 cho đến năm 2002, ông Mahathir và đảng của ông đã chiến thắng tại năm cuộc bầu cử liên tiếp của Malaysia, khiến ông trở thành người không bao giờ thua tại một cuộc bầu cử. Tại nhiệm tổng cộng 22 năm, ông được đánh giá là một trong những thủ tướng thành công nhất, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Malaysia.
Ông Mahathir có công lao góp phần biến Malaysia thành trung tâm viễn thông, tài chính và sản xuất công nghệ cao trong khu vực cũng như toàn châu Á. Sau khi trở thành thủ tướng, ông đã xem xét lại tất cả các vấn đề của Malaysia, từ các chính sách trên mọi mặt cho đến hoạt động hàng ngày của các cơ quan trong chính phủ để tìm cách khắc phục.
Ông cũng đã mạnh mẽ tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước để lấy nguồn vốn phát triển, ban hành các chính sách để thúc đẩy hoạt động của các doanh. Từ năm 1988 đến 1996, tốc độ tăng trưởng trung bình của Malaysia luôn đạt khoảng 8%.
Nhờ đó mà mức sống của người dân đã tăng nhanh chóng, các chỉ số phúc lợi xã hội đạt ngang hàng các nước phát triển. Đất nước Malaysia dưới sự lãnh đạo của ông đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nông nghiệp và khai thác tài nguyên trở thành một đất nước sản xuất định hướng xuất khẩu.
Thành tựu lớn nhất của ông trong thời gian nắm quyền là chiến lược phục hồi kinh tế mà ông đã áp dụng và thành công trong việc đưa Malaysia vượt qua được khủng hoảng kinh tế ở châu Á năm 1998. Ngoài ra, ông cũng là người ghi dấu ấn với những dự án cơ sở hạ tầng đột phá của Malaysia như Đường Siêu tốc Bắc - Nam, Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, những công trình mang tính biểu tượng của Malaysia như Tháp đôi, thủ đô hành chính Putrajaya…
Giữa lúc mọi việc vẫn đang suôn sẻ, ngày 30/10/2003, ông Mahathir Mohamad tự nguyện từ chức thủ tướng Malaysia. Tuy không còn là quan chức chính phủ nhưng ông vẫn quan tâm đến mọi mặt của đời sống chính trị Malaysia và vẫn là một nhân vật có tiếng nói đầy trọng lực.
Chính ông là người đã thực hiện chiến dịch trong hậu trường để giúp ông Najib trở thành thủ tướng vào năm 2009 vì quá chán nản với tác phong lãnh đạo thoải mái của người kế nhiệm là cựu Thủ tướng Abdullah Badawi.
Hai năm trước, ông Mahathir quay trở lại hoạt động chính trị, lần này là trong hàng ngũ lực lượng đối lập với cam kết sẽ lật đổ ông Najib Razak vì bê bối tài chính liên quan đến quỹ đầu tư phát triển 1MDB. Theo các cáo buộc, hàng tỉ USD từ quỹ này đã bị đánh cắp bí ẩn. Cho đến nay, vụ việc quỹ 1MDB đang bị ít nhất 6 nước điều tra nhưng ông Najib luôn bác bỏ cáo buộc có hành vi sai phạm.
Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Mahathir cam kết xóa bỏ các chính sách thuế hàng hóa và dịch vụ được ban hành dưới thời của ông Najib. Ông cũng tuyên bố sẽ xem xét lại các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Malaysia, trong đó có các dự án lớn như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Hiện nay, một số nhà kinh tế đã bày tỏ lo ngại rằng những cam kết dân túy mà ông đưa ra có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của Malaysia ở thời điểm mà thách thức với các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng gia tăng. Song, nhiều người dân Malaysia vẫn đang háo hức trông đợi những làn gió mới từ nhân vật lạ mà quen này có thể mang lại trong thời gian tới, nhất là trong việc thắt chặt quản lý tài chính sau những bê bối của các Chính phủ tiền nhiệm.
Cũng tại cuộc bầu cử vừa qua, chàng sinh viên luật P. Prabakaran đã ghi danh vào lịch sử Malaysia khi trở thành nghị sĩ trẻ nhất của nước này – “soán” ngôi mà cựu Thủ tướng Najib Nazak đã giữ trong suốt 42 năm qua. Ông Razak đắc cử nghị sỹ Quốc hội Malaysia tại cuộc bầu cử diễn ra năm 1976, khi ông 22 tuổi 7 tháng. Còn với P. Prabakaran, ông này đắc cử khi tròn 22 tuổi, 3 tháng.
Theo truyền thông Malaysia, tại cuộc bầu cử vừa diễn ra, ông P. Prabakaran đã tham gia tranh cử với tư cách ứng viên độc lập cùng cam kết trở thành đại diện cho bộ phận thanh niên Malaysia, thúc đẩy để người trẻ ở nước này có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc quyết định các vấn đề của đất nước.
P. Prabakaran được đánh giá là một người trẻ tuổi, tràn đầy năng lượng và có lý tưởng mạnh mẽ. P. Prabakaran là một trong ba nghị sỹ độc lập tại Quốc hội Malaysia ở nhiệm kỳ này.